Ảnh hưởng của thuốc lá đối với người bệnh đái tháo đường
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra hàng loạt nhóm bệnh như: ung thư, tim mạch, hô hấp… và gây tác hại rất nghiêm trọng đối với các bệnh mãn tính như: bệnh mạch vành, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), huyết áp... đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
Đái tháo đường là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng lượng đường huyết trong cơ thể. Nguyên nhân thường là do nồng độ insulin trong cơ thể không ổn định (có thể thiếu hoặc thừa).
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường tuýp 2. Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 nhiều hơn từ 30 - 40% so với người không hút thuốc.
Những người mắc bệnh đái tháo đường hút thuốc lá thường có nguy cơ gặp các vấn đề về liều dùng insulin và nguy cơ bệnh tật cao hơn những người không hút thuốc. Những người bị đái tháo đường bỏ thuốc lá có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Và hút thuốc càng nhiều, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 càng cao. Dù người bệnh mắc bệnh đái tháo đường loại nào thì việc hút thuốc đều làm cho việc kiểm soát bệnh khó hơn, bệnh có nhiều nguy cơ bị trầm trọng hơn.
Khám, xét nghiệm và theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. |
Bác sĩ Cao Mạnh Hùng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: “Những người hút thuốc lá mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm: Bệnh tim và bệnh thận; lưu thông máu kém ở chân và bàn chân có thể dẫn đến nhiễm trùng, lở loét và có thể phải cắt cụt chi; bệnh võng mạc, có thể gây mù; bệnh thần kinh ngoại vi các cánh tay và chân bị tê, đau, yếu, phối hợp kém. Cũng từ khói thuốc, nicotine vào máu gây co thắt những mạch máu nhỏ, làm chậm sự hấp thu của insulin khi tiêm, dẫn đến khó kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân sử dụng insulin. Ngoài ra, nó còn làm tăng tình trạng đề kháng insulin của cơ thể. Điều này xảy ra đối với rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi đã phải nhập viện điều trị”.
Theo thống kê, rủi ro mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao gấp 2 lần ở những người hút thuốc lá; đặc biệt ở phụ nữ, nó còn là nguyên nhân của việc sảy thai, sinh non ở những sản phụ bị đái tháo đường. Rõ ràng, thuốc lá không chỉ gây nên những biến chứng nghiêm trọng trên bệnh nhân đái tháo đường mà còn làm tăng khả năng phát triển đái tháo đường ở người hút thuốc. Vì vậy, bỏ hút thuốc sẽ có lợi ngay cho sức khỏe của bệnh nhân đái tháo đường và tất cả những người bị ảnh hưởng của khói thuốc lá. Bỏ thuốc lá cũng là một biện pháp để phòng bệnh đái tháo đường. Như trường hợp ông Nguyễn Trường Cửu (70 tuổi, ở xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) là bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Ông Cửu nghiện thuốc lá từ năm 17 tuổi, có những lúc ông hút đến 2 gói thuốc mỗi ngày. Trong 5 năm gần đây, ông Cửu thường bị đau nhức, tê buốt tay chân, mệt mỏi, chán ăn, đi kiểm tra sức khỏe thì phát hiện mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Giai đoạn đầu điều trị bệnh ông cũng dùng thuốc điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhưng vì chưa bỏ thuốc lá được nên tình trạng sức khỏe không khả quan. Được các bác sĩ tư vấn, ông Cửu quyết tâm cai hẳn thuốc lá. Từ khi bỏ thuốc lá, lượng đường trong máu của ông ổn định, sức khỏe tốt lên, hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường chuyển biến tích cực.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, người mắc bệnh đái tháo đường cần chú ý đến điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường. Cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất phù hợp nhất và giảm cân (nếu thừa cân hoặc béo phì), dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn. Khám, xét nghiệm định kỳ nhằm theo dõi các diễn biến của sức khỏe, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát cholesterol (mỡ máu) và huyết áp, hạn chế các bệnh cơ hội... Đặc biệt, những bệnh nhân đái tháo đường không nên hút thuốc lá và hạn chế ở gần nơi có khói thuốc lá.
Trần Lan
Ý kiến bạn đọc