Multimedia Đọc Báo in

Cẩn trọng với hội chứng “sương mù não” hậu COVID-19

08:27, 20/03/2022

Khi mắc COVID-19, người bệnh thường gặp các triệu chứng phổ biến như ho, khó thở, nhức đầu, mệt mỏi và sốt. Tuy nhiên, sau khi các triệu chứng COVID-19 biến mất, nhiều người có thể gặp những vấn đề về nhận thức, trong đó có hội chứng “sương mù não”.

Hội chứng "sương mù não" là một dạng rối loạn chức năng nhận thức, có thể gây ra một số các triệu chứng khó chịu như mệt mỏi, kém tập trung, thiếu minh mẫn, hay quên, mất tập trung chú ý, dẫn đến ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đặc biệt, nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị, người bệnh có thể gặp các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác.

Theo các chuyên gia y tế, hội chứng "sương mù não" có thể kéo dài vài tháng sau khi khỏi bệnh COVID-19. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về nhận thức này, bao gồm cả vai trò của yếu tố tâm lý và yếu tố bệnh lý cơ thể. Vi rút SARS-CoV-2 đi vào cơ thể thông qua các giọt bắn từ người nhiễm sang người lành thông qua đường mũi, miệng và mắt.

Ở cơ thể, vi rút đi vào các tế bào thông qua thụ thể của men angiotensin - coverting 2 (loại vi rút tấn công vào hệ thần kinh), do đó nó có thể tấn công vào não của người bệnh. Sau khi mắc bệnh COVID-19, nhiều tổn thương xảy ra ở các cơ quan trong khắp cơ thể, đặc biệt là ở não bộ.

Cytokine - một loại chất sinh ra từ phản ứng viêm do quá trình nhiễm COVID-19 có nhiều trong dịch não tủy và quá trình viêm trong não làm cho khả năng kết nối giữa các tế bào thần kinh kém dẫn đến hội chứng “sương mù não”. Bên cạnh đó, có những yếu tố khác cũng dẫn đến hội chứng “sương mù não” như chất lượng giấc ngủ kém, trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng, ít vận động tập luyện, tác dụng phụ của thuốc điều trị…

Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Để điều trị hội chứng “sương mù não”, người bệnh có thể sử dụng một số loại vitamin như vitamin nhóm B (folate, B6, thiamin, niacin, B12…), vitamin C, vitamin D, vitamin E, sắt, magne, kẽm giúp tăng cường chức năng của não. Đồng thời có thể sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, bởi khi mắc COVID-19, phản ứng viêm trong cơ thể bị rối loạn, tăng số lượng các tế bào đơn nhân, kích thích sự di chuyển hoạt hóa các tế bào này, gia tăng các tế bào đuôi gai, tăng sự phản ứng với kháng nguyên. Dùng thuốc chống viêm loại steroid ức chế miễn dịch, giúp phản ứng viêm trở lại tình trạng bình thường, cải thiện các triệu chứng của sương mù não sau nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc steroid để làm hạn chế phản ứng viêm cần phải có chỉ định của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua về dùng do thuốc có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, cần phải theo dõi chặt chẽ trong quá trình sử dụng. Ngoài ra người bệnh cũng có thể sử dụng thêm các thuốc tăng cường tuần hoàn não. Những thuốc điều trị sa sút trí tuệ như donepezil hay galantamin không có chỉ định dùng cho những trường hợp có hội chứng sương mù não nếu người bệnh không có biểu hiện của bệnh Alzheimer đi kèm.

Bên cạnh phương pháp điều trị dùng thuốc, người bệnh cũng có thể áp dụng điều trị không dùng thuốc. Cách điều trị tốt nhất hiện nay là tạo cho mình một thói quen tốt: đảm bảo đủ về thời gian và chất lượng giấc ngủ để giúp cơ thể hồi phục sức khỏe; tập luyện thể dục đều đặn, thường xuyên (tập luyện vận động không chỉ tốt cho hệ hô hấp và hệ tim mạch và còn là một cách rất tốt để cải thiện chức năng não bộ); tránh sử dụng rượu và thuốc lá có thể giúp giảm phản ứng viêm trong não; nghỉ ngơi một cách hợp lý; chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau, hoa quả, dầu oliu, lạc, đậu, giúp cải thiện trí nhớ.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.