Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường dự phòng, quản lý điều trị bệnh đái tháo đường tại cộng đồng

07:46, 26/06/2022

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong vòng 20 năm trở lại đây số trường hợp mắc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh chóng và tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế. Ước tính mỗi năm số ca mắc đái tháo đường tăng khoảng 5,5%.

Hiện nay, số lượng người mắc đái tháo đường trên cả nước khoảng 3,5 triệu người và nếu không có các giải pháp ngăn chặn thì con số này sẽ gia tăng đến 6 triệu người vào năm 2040. Một điều đáng lưu ý là có 65% số người không biết mình bị bệnh và 85% bệnh nhân chỉ biết khi bị các biến chứng, như tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng ở bàn chân… nên nguy cơ tử vong do bệnh rất cao.

Trước thực trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, nhiều hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường đã và đang được ngành y tế triển khai tích cực từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Trong đó, công tác khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện/thành phố đã góp phần phát hiện thêm nhiều trường hợp người mắc bệnh đái tháo đường để đưa vào quản lý và điều trị.

Cán bộ Trạm Y tế xã Ea Nuôl tư vấn cho người dân về phòng, chống bệnh đái tháo đường. Ảnh: Đình Thi

Tại Trạm Y tế xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), người dân đến khám bệnh đều được xét nghiệm đường máu mao mạch cho các đối tượng có nguy cơ cao. Đồng thời trạm tư vấn và lập danh sách quản lý các trường hợp mắc tiền đái tháo đường; chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định các trường hợp nghi ngờ; điều trị, quản lý đái tháo đường đối với các trường hợp được tuyến trên chuyển về; xử trí và chuyển người bệnh đái tháo đường lên tuyến trên khi vượt quá khả năng chuyên môn. Trong đó, những đối tượng có chỉ số đường huyết đạt mức 4.4 - 7.2mmol/l, không có bệnh lý kèm theo, không có biến chứng sẽ được điều trị tại trạm y tế. Định kỳ 3 tháng/lần, người bệnh được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện thực hiện xét nghiệm sinh hóa, đánh giá hiệu quả điều trị.

 

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Với các trường hợp thai sản, việc thiếu kiểm soát đường huyết trong bệnh đái tháo đường có thể làm thai chết lưu và các biến chứng khác.

Bác sĩ Phùng Thị Tý, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ea Nuôl cho biết, hiện nay trạm đang quản lý 112 bệnh nhân tăng huyết áp, 24 người bệnh đái tháo đường. Đa số bệnh nhân đái tháo đường là người cao tuổi, có bệnh nền nên ngoài việc khám điều trị theo phác đồ, trạm còn chú trọng truyền thông, tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn uống, luyện tập, tổ chức khám sàng lọc để phát hiện kịp thời những bệnh nhân mắc mới để lên phương án hỗ trợ điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Bà Trương Thị Oanh (trú thôn Tân Hòa, xã Ea Nuôl) là một trong những bệnh nhân đái tháo đường được khám, phát hiện và nhận thuốc điều trị tại Trạm Y tế xã. Bà Oanh cho biết, trước đây đều đặn mỗi tháng đến ngày khám, bà phải đến bệnh viện huyện khám và lấy thuốc, bệnh nhân đông nên thời gian chờ đợi rất lâu. Nay, bà được chuyển về điều trị tại Trạm Y tế xã gần nhà nên rất thuận tiện. Mỗi lần đến khám, bà đều được kiểm tra đường huyết và lấy thuốc theo quy trình như ở tuyến huyện. Còn bà H’Đông Byă (trú thôn Ea M’tha 1A, xã Ea Nuôl) thì suốt một thời gian dài không biết mình mắc bệnh đái tháo đường bởi không có triệu chứng điển hình của bệnh. Bà H’Đông tình cờ được phát hiện mắc bệnh trong một lần đi khám bệnh miễn phí cho người dân tại cộng đồng. Sau khi phát hiện mắc bệnh, bà được Trạm Y tế xã theo dõi theo chương trình quản lý và điều trị đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình nên rất thuận tiện cho việc khám và điều trị.

Xét nghiệm đường máu mao mạch cho đối tượng có nguy cơ cao. Ảnh: Đình Thi

Bệnh đái tháo đường thường có các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần nhưng lại cảm thấy rất khát; cảm thấy rất đói ngay cả khi đang ăn; mệt mỏi nhiều; nhìn mờ; chậm lành các vết thương hoặc vết loét; giảm cân ngay cả khi đang ăn nhiều hơn; ngứa, đau hoặc tê ở tay hoặc chân. Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống bệnh đái tháo đường, người dân cần phải đảm bảo duy trì cân nặng hợp lý; vận động thể lực tích cực và đều đặn mỗi ngày với cường độ vừa phải tùy thuộc vào sức khỏe của từng cá nhân. Mỗi người, mỗi gia đình phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý và lành mạnh bao gồm nhiều hoa quả và rau xanh. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và đo chỉ số đường huyết tại các cơ sở y tế. Những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể sống khỏe mạnh và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị cũng như thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.