Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk tập trung khống chế dịch bệnh sốt xuất huyết

19:09, 02/07/2022

Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Lắk đang diễn biến phức tạp với số ca bệnh tăng 69 lần so với cùng kỳ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lắk triển khai giám sát, đánh giá tình hình và nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống nhằm khống chế không để dịch lây lan rộng.

Theo báo cáo của TTYT huyện Lắk, trong tháng 6 vừa qua, bệnh SXH trên địa bàn huyện gia tăng mạnh với 75 ca bệnh, 7 ổ dịch tại xã Đắk Liêng và thị trấn Liên Sơn, tăng 69 lần so với cùng kỳ. Trong đó, thị trấn Liên Sơn được xem là điểm nóng với 52 ca bệnh, 6 ổ dịch. Trong số các ca bệnh trên địa bàn có 4 trường hợp giảm tiểu cầu, diễn tiến nặng đã được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và 25/75 trường hợp mắc bệnh là trẻ em.

Bác sĩ Trần Minh Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS Trung tâm Y tế huyện Lắk nhận định, dịch bệnh SXH bùng phát nhanh trên địa bàn là do năm 2022 là năm chu kỳ đỉnh dịch, cộng với thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan và thói quen dự trữ nước mưa để sinh hoạt của nhiều hộ dân cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch SXH, Trung tâm đã có văn bản gửi đến các địa phương đề nghị thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều kênh, làm cho người dân hiểu đúng về dịch bệnh và cách phòng bệnh và phát động chiến dịch toàn dân vệ sinh môi trường thường xuyên mỗi tuần 2 lần để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra chỉ số BI trên địa bàn thị trấn Liên Sơn. 

Ghi nhận tại thị trấn Liên Sơn, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nhiều hộ dân đã nâng cao ý thức và chủ động tham gia phòng chống dịch. Sinh sống tại buôn Lê (thị trấn Liên Sơn) - một trong những điểm nóng của dịch SXH, chị H’El Du không khỏi lo lắng. Chị cho biết, hiện các gia đình xung quanh đã có người bị SXH nên bản thân chị cũng lo gia đình mắc bệnh.
Vì thế, khi được tuyên truyền về cách phòng bệnh, chị và các thành viên trong gia đình đã chủ động xử lý các vật dụng chứa nước lâu ngày trong nhà, đồng thời thả cá vào thùng chứa nước mưa để cá ăn lăng quăng, bọ gậy và mắc màn mỗi khi đi ngủ để phòng bệnh SXH.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải, ở thôn Hợp Thành (thị trấn Liên Sơn) chia sẻ, hơn mười năm trước, ông có 3 người cháu bị mắc SXH, một đứa mắc bệnh độ 4 và 2 đứa mắc bệnh độ 2 đều phải chuyển đi Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị.
Vì thế, ông luôn biết bệnh SXH rất nguy hiểm và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi dịch bệnh xuất hiện và gia tăng ở thị trấn, ông luôn nhắc nhở người thân trong nhà và bà con hàng xóm vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy), phòng tránh bị muỗi đốt để không bị mắc bệnh.

Nhân viên y tế huyện Lắk tuyên truyền cho người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch SXH.
Nhân viên y tế huyện Lắk tuyên truyền cho người dân trên địa bàn các biện pháp phòng chống dịch SXH.

Trước việc gia tăng nhanh các trường hợp mắc bệnh SXH và các ổ dịch trên địa bàn huyện Lắk, CDC đã thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch SXH tại địa phương này. Bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong 10 ngày qua, số ca mắc SXH trên địa bàn huyện Lắk gia tăng rất nhanh.

Qua điều tra, đánh giá chỉ số vec tơ tại các ổ dịch trên địa bàn huyện nhận thấy mật độ muỗi và chỉ số BI (chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy) rất cao, đặc biệt là tại thị trấn Liên Sơn, đã có 7/10 tổ dân phố, thôn, buôn trở thành ổ dịch trong thời rất ngắn với số bệnh nhân tăng nhanh.
Dự báo ổ dịch tại thị trấn Liên Sơn sẽ bùng phát mạnh nếu không xử lý kịp thời. Kết quả điều tra vec tơ tại thị trấn Liên Sơn cho thấy tồn tại 2 loại muỗi gây bệnh SXH là Aedes aegypti và Aedes Albopictus, do đó, vấn đề xử lý dịch không chỉ phun hóa chất trong nhà mà còn phải phun cả không gian bên ngoài.
Muốn triển khai phun hóa chất, trước tiên cần phải xây dựng và triển khai chiến dịch diệt lăng quăng. Khi chiến dịch diệt lăng quăng thành công, việc phun hóa chất sẽ đem lại hiệu quả triệt để hơn.

Được biết, tính đến ngày 1/7, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 900 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 24 ổ dịch, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc ghi nhận tại 15/15 huyện/thị xã/thành phố, trong đó, tập trung nhiều tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Pắk, Lắk vàTP. Buôn Ma Thuột.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.