Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa nhiễm trùng uốn ván khi bị thương

09:36, 27/08/2022

Uốn ván là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani tồn tại trong môi trường đất, nước, xâm nhập vào cơ thể người bệnh qua vết thương hở, có nguy cơ gây tử vong cho người bệnh.

Bệnh không lây truyền từ người sang người, tuy nhiên, nếu cơ thể có vết thương thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng uốn ván.

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ đầu năm đến nay đã có 4 trường hợp mắc uốn ván nhập viện và điều trị tại bệnh viện. Theo thống kê, hằng năm tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị cho khoảng 8 - 15 trường hợp mắc uốn ván. Đặc biệt, năm 2019, số ca mắc uốn ván tăng đỉnh điểm lên 37 trường hợp. Có thể thấy, uốn ván không phải là bệnh hiếm gặp và bệnh rất nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời thì nguy cơ tử vong ở người bệnh sẽ ở mức cao. Tuy nhiên, ý thức của cộng đồng trong việc phòng, chống bệnh còn hạn chế khiến nhiều người bị vi trùng gây bệnh tấn công. Hầu hết các trường hợp mắc uốn ván phải mất thời gian điều trị dài ngày, chi phí điều trị tốn kém; sau điều trị dù người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn thần kinh nhưng vận động sẽ hồi phục lâu (từ vài tháng cho đến 1 năm) và bệnh nhân cần hỗ trợ tập vật lý trị liệu phục hồi.

Cha anh Hoàng Văn Vận (trú huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) bị uốn ván đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Anh Vận kể, trong lúc làm vườn, cha anh chẳng may bị cây chọc vào tay gây ra vết xước. Cứ tưởng là vết thương bình thường nên ông chủ quan, không xử lý vết thương đúng cách. Sau vài ngày, cha anh Vận có biểu hiện sốt, khó thở, cứng hàm, không ăn, không nuốt được rồi co giật cắn cả lưỡi; đưa đến bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ cho biết ông bị uốn ván. Anh Vận nói: “Trước đến nay tôi chưa gặp trường hợp nào bị uốn ván và cũng không biết căn bệnh này như thế nào cho tới khi cha tôi bị. Tôi không nghĩ rằng vết thương bình thường có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng như vậy”. Cũng chăm sóc con bị uốn ván sau khi bị vết thương ở đầu, bà Vũ Thị Quý (trú huyện Krông Pắc) vẫn chưa hết bàng hoàng vì con mình mắc bệnh uốn ván. Theo bà Quý, con trai bà vốn thỉnh thoảng lên cơn co giật, tự ngã. Trong một lần ngã, cháu chẳng may bị thương ở đầu. Mặc dù gia đình đã vệ sinh vết thương cho cháu nhưng vài hôm sau cháu có biểu hiện không ăn uống được vì cứng hàm. Lúc đưa cháu đi bệnh viện khám, chân cháu bị cứng đơ không cử động được, gia đình hoang mang không hiểu cháu mắc bệnh gì mà lạ lùng đến vậy. Bác sĩ khám và cho biết cháu bị uốn ván do vết thương, hiện đã ở tình trạng nặng. Đến nay sau 8 ngày điều trị, con bà Quý vẫn còn hôn mê.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị uốn ván được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, đa số các trường hợp mắc uốn ván nhập viện điều trị là người lao động không được tiêm phòng uốn ván. Khi bị các vết xây xước, các vết thương do dẫm phải đinh, vết thương do dụng cụ lao động…, người dân không xử lý vết thương đúng cách, không đi tiêm huyết thanh nên dẫn đến bị uốn ván. Trực khuẩn uốn ván tồn tại khắp nơi trong môi trường tự nhiên, ở đất, cát… dưới dạng nha bào. Khi xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, các nha bào uốn ván sẽ phát triển, sản sinh độc tố và gây bệnh uốn ván. Biểu hiện lâm sàng đầu tiên của bệnh uốn ván là cứng hàm, sau đó đến co cứng cơ và co giật. “Đối với người lớn, khi mắc uốn ván quá trình điều trị rất khó khăn, nan giải vì bệnh nặng. Khi nhiễm khuẩn Clostridium tetani, độc tố protein là tetanospasmin được tiết ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của bệnh nhân, gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, gây cứng cơ và tử vong nhanh. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí để điều trị căn bệnh này. Do đó, riêng đối với bệnh uốn ván, khi đã có các biểu hiện của bệnh thì nên đến ngay Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để được điều trị sớm nhất”, bác sĩ Lâm nhấn mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh uốn ván, cần thực hiện tốt công tác dự phòng. Ở người lớn tuổi cơ bản nhất là xử lý tốt vết thương. Cụ thể, sau khi bị thương phải rửa sạch vết thương bằng nước sạch, sau đó rửa lại vết thương bằng ôxy già, để thông thoáng vết thương và tuyệt đối không rắc bất kỳ loại thuốc hay băng bó vết thương. Bản chất vi khuẩn uốn ván là trực khuẩn kỵ khí, có oxy là chết, vì vậy phải tạo môi trường có oxy bằng cách để vết thương thông thoáng. Bên cạnh đó, nên tới cơ sở y tế tiêm huyết thanh để phòng bệnh.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc