Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại

06:34, 11/09/2022

Hiện nay có một thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra: Nhận thấy các biểu hiện của bệnh COVID-19 không nặng nên sau khi điều trị khỏi bệnh, nhiều người chủ quan không tiêm vắc xin phòng bệnh các mũi nhắc lại. Đây là mối nguy cơ lớn, có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Mặc dù đã nhiều lần được cộng tác viên y tế thôn đến tuyên truyền, vận động đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng bà Mạc Thị T. (48 tuổi, ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) vẫn kiên quyết không tiêm. Từ khi dịch bệnh xuất hiện đến nay, bà và cô con gái 30 tuổi chưa tiêm bất kỳ mũi vắc xin nào. Ban đầu bà T. lấy lý do trong người mắc nhiều bệnh nhưng sau đó bà cho biết mình đã mắc COVID-19 rồi và vẫn khỏe mạnh nên cảm thấy… không cần tiêm.

Một trường hợp khác là gia đình chị H’D. Êban ở xã Yang Reh, huyện Krông Bông. Trong gia đình chị, đàn ông thì đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, còn phụ nữ thì không. Chị H’D. viện lý do không tiêm là vì mình bị nhiều bệnh. Khi được cán bộ y tế giải thích, phân tích về độ an toàn, lợi ích tiêm chủng cũng như nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không tiêm vắc xin, chị H’D. lại phản ứng khá gay gắt, cho rằng nếu tiêm mà gặp phải biến chứng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Chị H’D. cho biết đã nghe nhiều lời đồn rằng vắc xin phòng COVID-19 gây đãng trí, nghễnh ngãng, bị điên… nên càng e dè với vắc xin và nhất quyết không đi tiêm. 

Chính quyền địa phương và cán bộ Trạm Y tế xã Yang Reh (huyện Krông Bông) tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Đình Thi

  Những trường hợp như bà Mạc Thị T. và chị H’D. Êban không phải là hiếm gặp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể thấy một thực tế là trước đây, vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao, người dân tìm mọi cách để được tiêm vắc xin thì nay, khi hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở thể nhẹ, nhiều người thậm chí không xuất hiện triệu chứng và khỏi bệnh sau 7 - 10 ngày, không ít người đã xuất hiện tâm lý chủ quan, cho rằng không cần tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thực trạng này là nguy cơ lớn khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại.

Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, trong lần dịch thứ tư vừa qua, đa số người dân đã được chủng ngừa vắc xin hai mũi cơ bản nên khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2, bệnh sẽ nhẹ hơn, nguy cơ tử vong thấp. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, do đó mọi người cần được tiêm các mũi nhắc lại để đạt hiệu quả miễn dịch bền vững, giảm khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. “Về lý thuyết, sau khi khỏi bệnh COVID-19, cơ thể sẽ có kháng thể để chống lại vi rút gây bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng có được kháng thể đủ tốt bởi việc nhiễm vi rút ở mỗi người là khác nhau, khác về chủng vi rút, tình huống nhiễm, mức độ nhiễm và cơ địa. Có khá nhiều trường hợp nhiễm và tái nhiễm nhiều lần do kháng thể tạo ra không đủ tốt hoặc nhiễm lần đầu rất nhẹ, chỉ ở dạng thoáng qua sau đó lần nhiễm lại mới gặp tình trạng nặng”, bác sĩ Lê Phúc thông tin.

Trước những thông tin đồn đại trên mạng xã hội cho rằng vắc xin phòng COVID-19 gây ra nhiều biến chứng, nhất là suy giảm trí nhớ, bác sĩ Lê Phúc khẳng định đây hoàn toàn là những thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học. “Việc nhiều người cảm thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường có thể là biểu hiện của hậu COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết có trên 200 dấu hiệu hậu COVID-19 và tại Việt Nam, theo một nghiên cứu mới nhất, có đến 68% F0 tồn tại triệu chứng hậu COVID-19. Hiện chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin phòng COVID-19 gây ra các vấn đề về sức khỏe. Do đó, người dân nên chọn lọc thông tin, đi tiêm đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”, bác sĩ Lê Phúc nhấn mạnh.

Số liệu từ hệ thống quản lý điều trị COVID-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, trong hơn 40 nghìn trường hợp tử vong do COVID-19, phần lớn chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ngoài ra, có một phần nhỏ trong số đó đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc xin nhưng chưa tiêm mũi thứ 3. Thực tế cũng cho thấy sau khi tỷ lệ tiêm vắc xin các mũi nhắc lại giảm thì số trường hợp mắc COVID-19 lại tăng lên. Nguyên nhân là do hiệu lực của vắc xin theo thời gian đã bị giảm đi, trong khi các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện và phát triển không ngừng. Các chuyên gia y tế cảnh báo việc người dân chủ quan với dịch bệnh và e dè với vắc xin sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.