Multimedia Đọc Báo in

Giám sát chặt bệnh nhân tâm thần điều trị tại nhà

06:29, 11/12/2022

Thời gian gần đây, các vụ án do người bệnh tâm thần gây ra có chiều hướng gia tăng. Điều đó đặt ra vấn đề cần có giải pháp giám sát chặt chẽ đối với những trường hợp bệnh nhân tâm thần điều trị tại nhà.

Đầu năm 2021, một bé trai 5 tuổi (ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) bị cha dùng dao chém nhiều nhát trên mặt khiến cháu bị đứt hộp sọ, rách màng não, đứt xương hàm. Cha cháu bé sau đó được xác định mắc bệnh trầm cảm. Hoặc trường hợp nữ nhân viên y tế của Trạm Y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi bị ông N.T.S. mắc bệnh tâm thần dùng cây gỗ đánh tử vong khi đang trên đường đi làm về nhà vào hồi tháng 8/2022. Đáng nói, trước đó, ông S. cũng từng có hành vi đánh người mỗi lần lên cơn nhưng gia đình vẫn không đưa bệnh nhân đi điều trị, để bệnh nhân liên tiếp gây ra những vụ việc đau lòng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt (chiếm khoảng 15% dân số). Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2 - 3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiểm soát hành vi. Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, tổng số bệnh nhân tâm thần đang được quản lý tại cộng đồng là 7.423 người. Số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện rất thấp, từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị nội trú cho khoảng hơn 800 bệnh nhân.

Bệnh nhân tâm thần cần được quan tâm để họ không cảm thấy bị bỏ rơi. Ảnh: Quang Nhật

Bác sĩ Nguyễn Thị Duyên, Trưởng Khoa khám (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết: Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng một số bệnh nhân bị rối loạn tâm thần thường xuyên kích động, quậy phá, đi lang thang gây rối trật tự công cộng hoặc gây thương tích cho những người xung quanh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể là do gia đình bỏ rơi, không quan tâm; có gia đình thì không có điều kiện về kinh tế nên không thể đưa bệnh nhân đi khám, điều trị chuyên khoa tâm thần; lại có trường hợp bệnh nhân không dùng thuốc đúng theo phác đồ điều trị dẫn đến lên cơn thường xuyên và cũng có trường hợp chủ quan, không đưa bệnh nhân đi bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường dẫn tới việc các hoang tưởng, ảo giác ngày càng nặng, chi phối tư duy của bệnh nhân và khiến bệnh nhân gây ra các hành vi nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xung quanh.

Theo bác sĩ Duyên, các rối loạn tâm thần do rượu, do ma túy có thể điều trị khỏi bệnh nhưng với bệnh tâm thần phân liệt thì phải chữa tích cực, thường xuyên và kết hợp nhiều phương pháp. Chẳng hạn, dùng thuốc có tác dụng dập tắt nhanh chóng các cơn kích động dữ dội, cơn phá phách. Việc dùng thuốc phải tuân theo sự chỉ định một cách nghiêm túc. Nếu người bệnh dùng thuốc không đều, hoặc bỏ thuốc thì tình trạng bệnh càng diễn biến xấu. Song song với việc dùng thuốc, người bệnh tâm thần cần tiếp tục điều trị củng cố và kết hợp các liệu pháp như can thiệp về tâm lý, gần gũi, chia sẻ, động viên. Trong gia đình, khi có một thành viên mắc bệnh tâm thần thì người thân cần phải bình tĩnh, biết chấp nhận người bệnh để họ không cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn; không nên kỳ thị, phân biệt, mà phải dành cho người bệnh sự quan tâm về tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc, giúp họ có cảm giác an toàn. Chính thái độ của gia đình là những can thiệp tâm lý sớm nhất và tốt nhất cho người bệnh tâm thần để giúp họ cải thiện tình trạng, sớm quay lại hòa nhập với cuộc sống, cộng đồng.

Bệnh nhân tâm thần cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ. Ảnh: Quang Nhật

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Nếu phát hiện một trường hợp có biểu hiện thu mình lại, trầm lặng, không thích giao tiếp; hoặc họ hiếu động và nói nhiều bất thường; có biểu hiện sợ hãi, dễ kích động đập phá đồ hoặc dùng hung khí tấn công mọi người xung quanh, trước tiên để an toàn thì không nên đến gần. Những vật dụng sắc nhọn, cháy nổ gây thương tích phải đem giấu không cho người bệnh biết, đồng thời thông báo cho mọi người xung quanh để họ cẩn trọng, đề phòng người bệnh tấn công. Tiếp theo là báo chính quyền địa phương hay bệnh viện nơi gần nhất. Nếu họ có ý định gây thương tích cho bản thân hoặc tấn công, dọa nạt những người xung quanh, cần cố định họ lại và chuyển đến ngay bệnh viện.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.