Cẩn trọng với bệnh đau khớp ở người trẻ tuổi
Hiện nay có rất nhiều người trẻ tuổi bị đau khớp gối. Thống kê cho thấy cứ trong ba người trẻ tuổi sẽ có một người sẽ bị đau khớp gối ít nhất một lần. Đau khớp gối ở người trẻ chủ yếu do lặp lại các hoạt động quá sức.
Không ít thanh niên vẫn nghĩ rằng ở người trẻ tuổi thì xương khớp bị yếu ít khi xảy ra. Các bạn trẻ thường cho rằng mình còn rất trẻ, khỏe, chạy nhảy linh hoạt nên không thể bị đau khớp. Đây là suy nghĩ sai lầm vì tuy rằng các khớp ở người trẻ ít bị tổn thương nhưng bất kỳ hoạt động quá mức hay sai tư thế đều dẫn đến tổn thương.
Cấu trúc của khớp gối phức tạp với nhiều dây chằng, dây gân, cơ bắp, mạch máu, và xương. Khi các bệnh nhân lạm dụng, dùng quá mức và quá sức của khớp gối sẽ dẫn đến đau và viêm khớp. Viêm gân dây chằng và viêm túi dịch là các tổn thương hay gặp ở người trẻ thường xuyên vận động. Các loại viêm này do hoạt động thường xuyên, khiến các dây chằng hay túi dịch làm việc quá sức. Tuy nhiên, những người ít chạy bộ, ít vận động thỉnh thoảng vận động quá sức quá lâu cũng có thể khiến viêm gân hay viêm bao hoạt dịch. Vì vậy, những người tập thể dục thường xuyên nhưng cũng nên ở mức độ vừa phải, và tăng từ từ nếu muốn tập nặng.
Ảnh minh họa Internet. |
Hay gặp nhất ở người trẻ tuổi là hội chứng đau khớp chạy bộ hoặc vận động quá nhiều, nhất là vận động nặng như nhảy cao, chạy nhảy có nhiều làm tăng áp lực lên sụn khớp. Ngoài ra còn có những lý do khác như: Đau khớp gối ở thiếu niên, viêm khớp do thoái hóa, viêm khớp dạng thấp, và viêm khớp do gút. Béo phì là một trong những lý do chính gây đau khớp ở người trẻ tuổi vì trọng lượng cơ thể quá nhiều dẫn đến áp lực liên tục lên sụn khớp, lâu dài dẫn đến tổn thương khớp.
Chẩn đoán bệnh này chủ yếu dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. X-quang gối có thể sẽ không thấy gì bất thường. Siêu âm khớp gối có thể có tràn dịch. Việc điều trị đau khớp gối thường được bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền chỉ định như: Thuốc kháng viêm NSAID, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, bó thuốc. Kết hợp với các máy như: Siêu âm, sóng ngắn, sóng xung kích... Bệnh nhân cần sửa tư thế chạy, tập vận động các cơ khớp khác như cơ khớp vùng háng, lưng, và chân để hỗ trợ khớp gối.
Các bác sĩ khuyến cáo, các bạn trẻ nên tập thể dục thường xuyên nhưng tập vừa phải, tập từ từ tăng dần theo khả năng của mình, giữ cân nặng hợp lý là cách tốt nhất làm giảm nguy cơ đau khớp gối. Ngoài ra, cần duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ các thành phần tốt cho sụn, khớp và dây chằng như: đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hàu, đậu đỗ, rong biển, các loại nấm như mộc nhĩ, nấm hương, nấm đông cô…); bổ sung canxi từ sữa và các sản phẩm từ sữa như: sữa chua, phô mai hoặc trong các loại thực phẩm giàu canxi khác như cá nhỏ luôn xương, tép nhỏ luôn vỏ, cua đồng, rạm sữa, đậu phụ… Cung cấp thường xuyên các loại thực phẩm giàu Omega 3; ăn hằng ngày các loại rau củ quả có màu đậm; bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C, Glucosamin, Collagen type I…
BS. Nguyễn Thị Thúy
(Bệnh viện Y học cổ truyền Đắk Lắk)
Ý kiến bạn đọc