Cảnh báo ngộ độc rượu cồn công nghiệp
Dịp Tết, gia đình sum họp, bạn bè hội ngộ; sau Tết, cơ quan khai xuân, công việc khởi đầu, nhiều lý do để chúng ta nâng chén, sử dụng rượu, bia.
Nhiều người quá chén đã rơi vào tình trạng say xỉn, ngộ độc đồ uống có cồn, đáng báo động hơn là ngộ độc rượu sản xuất bằng cồn công nghiệp (methanol), gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe.
Khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân nam G.S.V. (30 tuổi, ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông) nhập viện trong tình trạng phù nề, hôn mê, bất tỉnh. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu làm bằng methanol (cồn công nghiệp).
Methanol, hay cồn gỗ, là một dung môi hữu cơ được sử dụng phổ biến để sản xuất các sản phẩm như dung dịch phun kính ô tô, chất tẩy rửa, nhiên liệu các lò đốt; là dung môi hòa tan trong nhiều loại sơn, vecni, chất tạo bóng và dung dịch trong máy photocopy... Methanol là một chất lỏng không màu, dễ bay hơi, mùi nhẹ và vị gần giống ethanol nhưng lại rất độc và không được dùng làm đồ uống.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống mà do người kinh doanh đã mua cồn công nghiệp về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu dởm. Sau đó, họ trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi.
Bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, có hai loại ngộ độc rượu chính là ngộ độc rượu etylic (ethanol) và ngộ độc rượu metylic (methanol). Trong đó, ngộ độc rượu etylic gồm có ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu uống và tần suất, thời gian uống rượu. Thông thường, hàm lượng rượu trong máu từ 1 - 1,5g/lít có thể gây “say” và 4 - 6g/lít có thể gây tử vong. Còn ngộ độc rượu metylic xảy ra khi uống nhầm methanol hoặc uống rượu có chứa methanol. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, oxy hóa thành formol (formaldehyd) và axit formic. Chỉ cần uống 5 – 15 ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15 ml trở lên gây mù lòa, 30 ml có thể gây tử vong. Độc tính của methanol bao gồm tác dụng ức chế hệ thống thần kinh trung ương; ảnh hưởng tới thần kinh mắt… Trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân); rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp); rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm); đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.
Người dân hãy lựa chọn sản phẩm rượu có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Đình Thi |
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, tình trạng ngộ độc vì sử dụng rượu có chứa cồn công nghiệp ngày càng phổ biến. Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau một ngày uống. Nếu bệnh nhân không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và tốn chi phí điều trị.
Vì vậy, để phòng, chống ngộ độc rượu, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Khi nghi ngờ ngộ độc rượu cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để cấp cứu và điều trị kịp thời.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc