Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa nhồi máu cơ tim

06:33, 20/08/2023

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm bệnh lý tim mạch đã cướp đi khoảng 18,6 triệu sinh mạng, chiếm 31% tỷ lệ tử vong toàn cầu. Trong đó, nhồi máu cơ tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người mắc bệnh mạch vành.

Nhồi máu cơ tim (hay còn gọi là đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành, mạch máu nuôi cơ tim bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm ở nước ta có khoảng 70.000 người tử vong vì nhồi máu cơ tim. Phần lớn các trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim đều đến cấp cứu trễ, không thể can thiệp kịp.

Theo bác sĩ Lê Thành Tâm, phụ trách khoa Cấp cứu can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), nhồi máu cơ tim là tình trạng tổn thương tế bào cơ tim, gây hoại tử cho cơ tim và có những triệu chứng của thiếu máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim có hai dạng, tổn thương mạch vành và không tổn thương mạch vành. Nhồi máu cơ tim tổn thương mạch vành có tình trạng các mảng xơ vữa bị nứt vỡ, gây ra tình trạng huyết khối trong lòng mạch vành gây tắc mạch dẫn đến cơ tim không có máu nuôi rồi hoại tử tế bào cơ tim. Người bị nhồi máu cơ tim nếu được cấp cứu trong “thời gian vàng” (dưới 6 giờ) rất ít để lại di chứng sau này như suy tim hoặc biến chứng về thủng thành tim, van tim. Còn những bệnh nhân đến cấp cứu trong tình trạng muộn (trên 6 giờ hoặc 12 giờ) cho dù cấp cứu kịp thời cũng để lại di chứng suy tim nặng nề, nhiều trường hợp có thể biến chứng gây vỡ thành tim và đột tử.

Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

Đối với những người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, suy thận và những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cao như mỡ máu cao, rối loạn chuyển hóa, người có tiền sử hút thuốc lá, người cao tuổi cần thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, tầm soát tim mạch để có thể phát hiện và can thiệp sớm, ngăn ngừa xảy ra nhồi máu cơ tim.

Trung bình mỗi năm Khoa cấp cứu và can thiệp tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận, can thiệp và cấp cứu khoảng 400 trường hợp nhồi máu cơ tim. Số lượng người được phát hiện và can thiệp nhờ tầm soát tim, mạch vành khoảng gần 1.000 người/năm. Đối với những trường hợp cấp cứu, tỷ lệ đến muộn quá "giờ vàng" khá cao, vì vậy điều quan trọng là cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm để được khẩn trương đưa đi cấp cứu kịp thời. Bên cạnh đó, những người thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cần chủ động tầm soát tim, mạch vành để phát hiện và can thiệp sớm, cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, bỏ thuốc lá, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường…

Thông thường những biểu hiện thường gặp của nhồi máu cơ tim là cơn đau tức ngực, đau từ xương ức lan lên cổ, có thể đau bóp nghẹt lan ra sau lưng kéo dài hơn 30 phút mà dùng thuốc nitrat không đỡ. Tuy nhiên có khoảng 1/4 người không có cảm giác đau mà chỉ có cảm giác mệt, khó thở thường gặp ở người già, người đái tháo đường, phụ nữ có thai…

Ngày nay người bị nhồi máu cơ tim có xu hướng càng ngày càng trẻ hóa vì lối sống ít vận động kèm theo chế độ dinh dưỡng thừa calo, tình trạng huyết áp, rối loạn mỡ máu ngày càng nhiều. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim thì trước hết không nên hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá thụ động; cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm bớt những thức ăn giàu chất béo, tăng cường nhóm thức ăn giàu chất xơ và vitamin; giữ cân nặng phù hợp, tập thể dục đều đặn, tránh căng thẳng stress; hạn chế bia, rượu và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là làm các xét nghiệm đường máu cơ bản và tầm soát bệnh tim mạch định kỳ. Những bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường cần được điều trị tích cực, kiểm soát tốt đường máu và huyết áp.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc