Multimedia Đọc Báo in

Dự phòng sớm - giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

07:47, 13/08/2023

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi, tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm.

HIV lây truyền từ mẹ sang con có thể xảy ra rất sớm ngay khi người mẹ mang thai được 8 tuần và trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua nhau thai cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần, khi bánh nhau có vấn đề như bị nhiễm khuẩn, vi rút HIV có thể di chuyển qua bánh nhau vào thai nhi (có khoảng 20 - 30% số trẻ được sinh ra nhiễm HIV từ mẹ ở giai đoạn này).

HIV còn lây truyền từ mẹ sang con ở giai đoạn chuyển dạ, do trẻ đi qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo mà HIV có rất nhiều trong máu và dịch âm đạo của người mẹ (có khoảng 50 - 60% trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn này).

Đặc biệt, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai nhi bị xây xước, sang chấn. Sau khi sinh trẻ vẫn có thể bị nhiễm HIV trong khi bú sữa mẹ, vì trong sữa mẹ có nhiều vi rút HIV, vi rút xâm nhập qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ, khi trẻ có các tổn thương ở niêm mạc miệng.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng HIV/AIDS nhưng việc điều trị dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ.

Để phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Nếu bị nhiễm HIV thì sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị dự phòng với gói dịch vụ gồm: tư vấn, xét nghiệm cung cấp điều trị ARV, theo dõi hướng dẫn tư vấn các biện pháp an toàn cho trẻ trước, trong và sau khi sinh.

Phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt.

Phụ nữ nhiễm HIV trong khi sinh cần đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa, hạn chế các thủ thuật bấm ối, mổ lấy thai, không đặt điện cực vào đầu thai nhi, không lấy máu da đầu thai nhi làm pH, cần tắm cho trẻ ngay sau khi sinh, thực hiện cấp phát đủ liều thuốc ARV cho mẹ và bé, chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị ARV để người mẹ được chăm sóc và điều trị, đồng thời giới thiệu trẻ đến cơ sở chăm sóc và điều trị dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài. Thực hiện tiêm chủng vắc xin theo đúng lịch như trẻ bình thường khác

Về vấn đề nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh: phụ nữ nhiễm HIV chỉ nên chọn một cách nuôi con, hoặc bú sữa mẹ hoặc bú sữa ngoài hoàn toàn. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV và đảm bảo tuân thủ điều trị để đạt tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế. Trường hợp không thể đảm bảo tuân thủ điều trị thì người mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.

Nếu các bà mẹ không có sự lựa chọn nào khác mà quyết định cho con bú sữa mẹ thì cần phải vệ sinh đầu vú sạch sẽ, thường xuyên và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không dùng sữa thay thế hay bất cứ thức ăn, nước uống nào khác.

Đặc biệt, cần ngừng cho trẻ bú càng sớm càng tốt, muộn nhất là khi trẻ 6 tháng tuổi. Khi ngừng cho trẻ bú sữa mẹ, cần chuyển ngay sang sử dụng thức ăn thay thế như sữa bột, bột, cháo. Bên cạnh đó, trẻ cần được đưa đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được theo dõi và xét nghiệm nhằm xác định sớm tình trạng nhiễm HIV, điều trị dự phòng các nhiễm trùng cơ hội.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.