Chú trọng chăm sóc sức khỏe khi mang thai
Trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều phụ nữ chủ quan hoặc chưa biết tự chăm sóc bản thân mỗi khi thai nghén và sinh nở, phần lớn do chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì vậy, tình trạng tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh và tai biến sản khoa vẫn còn xảy ra.
Theo báo cáo của Khoa sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 26.729 phụ nữ sinh đẻ, trong đó số phụ nữ khám thai từ 4 lần trở lên trong suốt thai kỳ chỉ chiếm 76%; tỷ suất tai biến sản khoa/1.000 tổng số đẻ chiếm 5,5%; tỷ suất tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống chiếm 19% và tỷ suất tử vong sơ sinh/1.000 trẻ đẻ sống chiếm 2,2%. Và cũng trong 9 tháng năm 2023 đã có 6 trường hợp hợp tử vong mẹ liên quan đến các tai biến sản khoa.
Theo bác sĩ CKII Trần Ngọc Thắng, Phó Trưởng khoa sản, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khi mang thai, việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ là vô cùng quan trọng, việc khám thai và quản lý thai sẽ cung cấp cho bà mẹ mang thai kiến thức tự chăm sóc cho mình và cho thai nhi, theo dõi tình trạng sức khỏe của bà mẹ và thai nhi, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để sớm phát hiện những bệnh lý và có biện pháp can thiệp sớm, hạn chế thấp nhất tai biến sản khoa.
Để chăm sóc và quản lý thai kỳ tốt, bác sĩ Thắng hướng dẫn: Khi biết mình có thai, bà mẹ cần đi khám thai sớm và đặt cho mình lịch khám thai tại cơ sở y tế hoặc phòng khám đáng tin cậy. Từ khi mang thai đến khi sinh bà mẹ phải được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 kỳ thai nghén, đó là 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ trước khi sinh. Nếu có điều kiện nên đi khám thai nhiều hơn, 4 tuần một lần cho đến tuần 28 của thai kỳ, sau đó 2 tuần một lần cho đến 36 tuần và mỗi tuần cho đến lúc sinh. Việc khám thai phải được thực hiện bởi cán bộ y tế có đào tạo chuyên môn về sản khoa. Những lần khám thai giúp cho bà mẹ biết thai nhi có phát triển bình thường hay không, phát hiện người mẹ có bệnh gì hoặc có khó khăn, bất thường cần được xử trí kịp thời để tránh các tai biến, biến chứng. Khám thai giúp tiên lượng cuộc sinh thường hay cần có can thiệp đặc biệt giúp cho bà mẹ chọn lựa nơi sinh thích hợp, nếu được dự báo là cuộc sinh khó bà mẹ sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn sinh ở một cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu.
Việc khám thai và quản lý thai sẽ cung cấp cho thai phụ kiến thức để tự chăm sóc, phòng tai biến sản khoa. Ảnh: Đình Thi |
Về bổ sung dinh dưỡng, bà mẹ mang thai cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng không những cho bản thân mà còn là sự phát triển cho thai nhi, rau thai, khối lượng máu trong cơ thể mẹ và tăng dự trữ mỡ cho tạo sữa sau này. Ngược lại, nếu thai phụ không chú trọng bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết cho cơ thể, trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ tử vong và để lại biến chứng cho thai phụ, như: Tăng nguy cơ nhiễm bệnh, thiếu máu, hay ốm yếu và giảm hoạt động; tăng nguy cơ thai chết lưu, tăng nguy cơ đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ…
Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt là thời kỳ thai 3 tháng cuối. Bảng nhu cầu khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng về năng lượng hằng ngày cho thai phụ như sau: mang thai 3 tháng cuối cần bổ sung 450 kcal/bữa ăn, tương đương thêm 1 bát cơm đầy và thức ăn kèm theo mỗi ngày. Ngoài cơm ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ.
Trước hết, cần chú ý đến các nguồn chất đạm từ các thức ăn thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác, vừng, lạc và các loại rau có màu xanh đậm. Ngoài ra, cần ăn đủ chất đạm động vật, các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc... và có điều kiện nên có thêm thịt, trứng, sữa...
Ngoài ra, bà mẹ cần phải bổ sung các chất khoáng, canxi, sắt, acid folic, vitamin C làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn góp phần phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt. Acid folic tham gia tạo máu cũng là những chất cần thiết trong quá trình phát triển của thai. Vitamin C và acid folic có nhiều trong các quả chín, rau xanh.
Tuyệt đối không uống rượu, bia, chè đặc, cà phê, không hút thuốc lá, hạn chế dùng gia vị cay, nóng, như tiêu, tỏi, ớt, gừng. Không tự ý mua thuốc uống khi bị cảm hoặc sốt mà phải có chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bà mẹ mang thai cần làm việc nhẹ nhàng, tránh xúc động, giữ tinh thần luôn được thoải mái, tắm rửa thường xuyên để giữ thân thể sạch sẽ.
Kim Oanh - Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc