Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống HIV trong trường học

07:03, 28/01/2024

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong những năm gần đây, nhờ công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng khắp trên cả nước với những biện pháp tích cực, sớm hơn, đầy đủ hơn và hiệu quả hơn nên số trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV được phát hiện giảm nhanh; trẻ em phát hiện nhiễm HIV ở độ tuổi tiểu học (7 - 11 tuổi), THCS (12 - 15 tuổi) và THPT (16 - 19 tuổi) cũng có chiều hướng giảm.

Trẻ em ở tuổi tiểu học và THCS rất hiếu động, hay trêu chọc gây xây xát da, chảy máu; song, nếu máu hoặc dịch tiết của học sinh nhiễm HIV dính vào phần da, niêm mạc lành lặn của trẻ không nhiễm HIV thì cũng không có nguy cơ lây truyền HIV. Khi học sinh nhiễm HIV ngồi học chung lớp, chung bàn, ăn uống chung mâm, vui chơi chung với các học sinh khác thì không thể lây nhiễm HIV sang cho các bạn, vì HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường.

Trẻ ở độ tuổi dậy thì, đang học THPT có thể bắt đầu có hành vi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, trẻ nhiễm HIV ở độ tuổi này hầu hết đang được quản lý sức khỏe và được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Các trẻ này đều được tư vấn về cách phòng, tránh lây nhiễm HIV sang người khác và được hướng dẫn quan hệ tình dục an toàn. Chưa kể, theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu người mắc HIV được điều trị bằng thuốc ARV sẽ giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV sang bạn tình không nhiễm HIV.

Học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) tham dự buổi truyền thông về phòng chống HIV/AIDS.

Hiện nay, chủ trương của nước ta là khuyến khích việc đưa trẻ nhiễm HIV đến trường, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em. Trên thực tế, hầu hết trẻ nhiễm HIV độ tuổi tiểu học trở lên đều được đến trường học chung với các trẻ em không nhiễm khác, duy chỉ có trẻ nhiễm HIV độ tuổi mầm non thì được chăm sóc, dạy dỗ tại gia đình hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội do điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt hơn.

Xu hướng mắc bệnh HIV hiện nay ở nước ta tập trung nhiều ở nhóm trẻ tuổi và do lạm dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục bừa bãi, do tác động của môi trường xã hội; bên cạnh đó, những năm gần đây trẻ em Việt Nam có sự phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm, tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trong lứa tuổi học đường và tệ nạn ma túy len lỏi vào trường học cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ HIV ngày càng lây lan rộng. Do đó, để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm, trước tiên cần tăng cường giáo dục cho học sinh hiểu biết đúng về các nguy cơ lây nhiễm HIV, hệ lụy của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy tổng hợp cũng như việc quan hệ tình dục không an toàn... Các thầy cô giáo và phụ huynh cũng trang bị kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS và giáo dục giới tính, để góp phần giáo dục cũng như hỗ trợ con em mình phòng, chống HIV/AIDS.

Các trường học cần tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm, nói chuyện sức khỏe, các kiến thức về HIV, các biện pháp phòng, chống HIV, kỹ năng sống, điều gì nên làm, điều gì không nên làm và có giám sát các hoạt động vui chơi của các em, đặc biệt là các trò chơi gây xây xát da, chảy máu. Đồng thời phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn, tiếp tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS. Phối hợp với gia đình quan tâm chăm sóc sức khỏe, tâm sinh lý để có những biện pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời, giúp học sinh nhận thức đúng đắn về HIV để phòng, chống HIV hiệu quả...

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.