Dự phòng đột quỵ mùa lạnh
Đột quỵ là căn bệnh thường gặp ở người già. Tuy nhiên hiện nay bệnh này đang có xu hướng gia tăng và xuất hiện ngày càng nhiều ở cả những bệnh nhân còn trẻ tuổi. Bệnh thường gia tăng mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh và dễ gây tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng não bị tổn thương do quá trình lưu thông máu lên não bị gián đoạn hoặc não bị thiếu oxy. Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm có hơn 200 nghìn trường hợp bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ có 10% những người sống sót là bình phục, không để lại di chứng và không phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác; tỷ lệ bệnh nhân nam cao gấp 4 lần bệnh nhân nữ.
Đột quỵ chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết thay đổi, chuyển lạnh đột ngột được xem là mối nguy khởi phát đột quỵ não. Khi thời tiết lạnh giá, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp khiến lưu lượng máu đến não giảm 1/5 so với bình thường. Mặt khác, các mạch máu dễ co lại làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch, khiến thành mạch máu bị tổn thương, thậm chí có thể vỡ, gây xuất huyết não hoặc hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu dẫn đến đột quỵ.
Theo thống kê của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột), bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng từ 15 - 20% so với bình thường. Ngày thường khoa khám và điều trị cho khoảng 400 ca bệnh nội khoa, trong đó có 40 - 50 bệnh nhân đột quỵ, nhưng vào mùa lạnh số người mắc bệnh này tăng cao hơn. Riêng trung tuần tháng 1/2024, khoa đã tiếp nhận hơn 70 trường hợp mắc bệnh.
Tập thể dục hằng ngày, kiểm soát cân nặng phù hợp để giảm nguy cơ đột quỵ. Ảnh: Đình Thi |
Theo các bác sĩ chuyên khoa, một người bình thường đột nhiên có các triệu chứng như: Nói ngọng, môi lưỡi tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức mới nói được, thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, đi lại khó khăn hoặc cảm thấy nhức đầu dữ dội…, khi đó cần nghĩ ngay tới khả năng có thể bị đột quỵ.
Đa số bệnh nhân đột quỵ đều có tiền sử bị tăng huyết áp. Nhiều trường hợp thấy huyết áp ổn định và ngưng sử dụng thuốc trong một thời gian ngắn nên bệnh tái phát lại và ngày càng nặng hơn, có thể đe dọa đến tính mạng.
Được cấp cứu, điều trị kịp thời là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự sống còn của người bệnh đột quỵ. Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh để điều trị kịp thời, cơ hội sống của người bệnh sẽ tăng lên và tỷ lệ mắc di chứng sẽ giảm đi đáng kể. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân đến phòng cấp cứu trong vòng 3 giờ đầu kể từ khi có triệu chứng đầu tiên sẽ phục hồi di chứng đột quỵ não nhanh hơn 3 tháng so với những người được điều trị chậm sau 3 giờ.
Bác sĩ CKI Trần Thanh Quý, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột) khuyến cáo, để phòng bệnh đột quỵ, mọi người cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh gồm nhiều loại trái cây, rau và ngũ cốc; bổ sung thịt nạc, thịt gia cầm, cá, đậu và sữa hoặc các sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo. Tập thể dục hằng ngày, kiểm soát cân nặng phù hợp, tránh thừa cân béo phì. Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, kiểm soát tốt bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi thấy có các dấu hiệu nguy cơ gây bệnh đột quỵ cần đi đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời, tránh để tai biến xảy ra.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc