Những lưu ý khi bổ sung vitamin A cho trẻ
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thiếu vitamin A sẽ gây ra các bệnh lý suy giảm một số chức năng của cơ thể như thị giác, tăng trưởng, biệt hóa tế bào, miễn dịch...
Do đó, trẻ em trong độ tuổi cần được bổ sung vitamin A đủ liều, đúng lịch theo khuyến cáo của ngành y tế để đảm bảo sự phát triển thể chất và trí tuệ.
Theo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi có nguy cơ cao thiếu vitamin A. Trẻ thiếu vitamin A thường có những biểu hiện như: quáng gà (trẻ không nhìn thấy trong điều kiện ánh sáng yếu), nếu thiếu vitamin A ở mức độ nặng sẽ gây tổn thương giác mạc mắt, gây mù lòa vĩnh viễn; trẻ chậm phát triển về thể chất so với các trẻ bình thường cùng trang lứa; dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và khi mắc sẽ kéo dài hơn. Những điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.
Bác sĩ CKI Vi Thị Huệ, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, Đắk Lắk là một trong 31 tỉnh kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ trẻ em có khẩu phần ăn thiếu vitamin A cao. Do vậy, định kỳ mỗi năm hai lần, vào tháng 6 và tháng 12, ngành y tế đều tổ chức Chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ trong độ tuổi từ 6 - 59 tháng.
Cụ thể, trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi uống bổ sung 1 liều vitamin A 100.000 IU; trẻ từ 12 - 59 tháng tuổi uống bổ sung 1 liều vitamin A 200.000 IU. Đối với trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi có nguy cơ cao như: Mắc các bệnh nhiễm khuẩn kéo dài, trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, mắc sởi... nếu đã được uống vitamin A theo chiến dịch trong vòng một tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm vitamin A liều cao. Nếu trẻ đã uống vitamin A theo chiến dịch trên một tháng trước đó thì có thể uống thêm một liều dự phòng theo độ tuổi.
Mặc dù vitamin A là một vi chất quan trọng nhưng các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý bổ sung cho trẻ, nhất là mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường mà cần có sự tư vấn, chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, tránh trường hợp bổ sung thừa vitamin A có thể gây ngộ độc.
Trẻ uống vitamin A trong chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp. |
Viên nang vitamin A sử dụng an toàn và hiệu quả, tuy nhiên khi bổ sung vitamin A liều cao sẽ gặp một số tác dụng phụ như: Đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy..., thông thường các biểu hiện này sẽ biến mất sau vài giờ. Sau khi bổ sung vitamin A, các bậc phụ huynh cần theo dõi trẻ nếu trẻ bị đau bụng nhiều, nôn ói liên tục hoặc dị ứng thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế.
Vitamin A chống chỉ định với các trường hợp sau: Trẻ đang đau bụng, sốt cao (trên 38,5 độ C); trẻ đang mắc các bệnh mãn tính (tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản); trẻ có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiếu vitamin A là do khẩu phần ăn nghèo nàn, không đủ chất dinh dưỡng, cơ thể tăng sử dụng vitamin A khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp…), suy dinh dưỡng.
Do đó, ngoài việc bổ sung vitamin A trong chiến dịch thì các bậc phụ huynh cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cải thiện chất lượng bữa ăn, nhất là đối với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn dặm đúng thời điểm (khi trẻ tròn 6 tháng tuổi); cân bằng các nhóm chất trong khẩu phần ăn với các thực phẩm giàu vitamin A như các loại rau, củ, quả màu đỏ, vàng (cà chua, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, đu đủ chín…), gan động vật, lòng đỏ trứng, bơ, sữa… Ngoài ra cần tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước khi cho trẻ đi uống vitamin A, phụ huynh nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái cho trẻ.
Ngọc Lan - Thu Huế
Ý kiến bạn đọc