Điều trị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ:
Rất cần sự đồng hành của cha mẹ
Theo thống kê của Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), từ đầu năm 2024 đến nay, số trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) đến khám ngày càng gia tăng, trung bình mỗi ngày có ít nhất 2 - 3 trẻ đến khám.
ASD là một dạng khuyết tật phát triển về tâm thần kéo dài suốt cuộc đời. Trẻ mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong khi đó, cơ hội “vàng” điều trị trẻ tự kỷ có hạn và quá trình can thiệp tự kỷ lại là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự đồng hành, kiên trì của các bậc phụ huynh.
Khi con lên 2 tuổi, chị N.T.G. (trú xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) phát hiện bé có các biểu hiện bất thường như: chưa biết nói, không hóng chuyện, không cười với người lớn, chỉ thích để ý đến những đồ vật quay tròn, thường xuyên lặp đi lặp lại động tác liếm, thậm chí cắn ngón chân đến chảy máu. Chị đưa con đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. “Qua tìm hiểu và được các bác sĩ tư vấn, tôi quyết định đưa con đi điều trị. Suốt 2 năm qua, tôi đều đồng hành cùng con trong quá trình chữa trị. Vất vả, mệt mỏi, nhiều khi cũng nản chí muốn bỏ cuộc nhưng rồi nhìn con, nhớ lại những tiến bộ mà con đạt được tôi lại động viên mình cùng cố gắng với con. Đến nay, tuy cháu chưa thể bình thường như những trẻ khác nhưng đã có tiến bộ hơn, cháu đã nói được những từ ngắn”, chị N.T.G. chia sẻ.
Bác sĩ tư vấn cho phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ. Ảnh: Quang Nhật |
Cũng phát hiện con mắc chứng rối loạn tự kỷ cách đây ít tháng, những tuần qua, đều đặn ngày nào tới lịch điều trị là anh N.V.T. (trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đều sắp xếp thời gian đưa con đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Con anh T. gần 2 tuổi, có những biểu hiện bất thường như: gọi nhưng cháu không chú ý, không có biểu hiện bập bẹ tập nói, chỉ chăm chăm chú ý vào một đồ vật nhất định. Anh T. kể: “Rất may gia đình phát hiện và đưa cháu đi khám sớm nên bác sĩ nói quá trình điều trị cho cháu sẽ có nhiều kết quả khả quan. Đến nay, sau một thời gian được điều trị theo hướng dẫn, cháu đã có những tiến bộ rất tích cực. Các bác sĩ đã hỗ trợ, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc, khắc phục những rối loạn phát triển của cháu. Về nhà, chúng tôi luôn dành thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con để giúp con đạt kết quả tốt hơn trong điều trị hội chứng này”.
Theo bác sĩ Nguyễn Nay Ngân (Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật phát triển suốt đời của trẻ, được đặc trưng bởi sự suy giảm trong tương tác xã hội và sự hiện diện của các kiểu hành vi, sở thích hoặc hoạt động bị hạn chế, lặp đi lặp lại có thể gây ra nhiều khó khăn trong tương tác xã hội, giao tiếp và việc tham gia vào các hoạt động hằng ngày.
Khi mắc rối loạn tự kỷ, trẻ thường có dấu hiệu nhạy cảm về giác quan (như thích quay tròn, thích liếm tay hay quá nhạy cảm với âm thanh dù nhỏ, sợ người khác đụng vào người); trẻ xuất hiện các vấn đề về hành vi không phù hợp như giận dữ quá mức, gây hấn hay tự làm hại bản thân, rối loạn giấc ngủ…
Nếu không được can thiệp và điều trị sớm, trẻ sẽ bị hạn chế trong giao tiếp, tương tác xã hội, cản trở khả năng kết bạn, hoạt động nhóm, tham gia các hoạt động tại nhà, trường học, ngoài xã hội. Trẻ khó có thể bày tỏ nhu cầu với những người trong gia đình, bạn bè xung quanh. Và khi không ai hiểu nhu cầu của mình sẽ sinh ra tâm lý ức chế, bực tức tạo ra các hành vi như cắn bạn, la hét, đập đầu vào tường…
Để nhận biết sớm trẻ mắc hội chứng tự kỷ, phụ huynh có thể chú ý các dấu hiệu báo động ở trẻ. Cụ thể, trẻ không bi bô, không biết dùng cử chỉ, dấu lúc 12 tháng; trẻ không nói từ đơn khi 16 tháng, không đáp lại khi được gọi tên, không tự nói được câu có 2 từ khi 24 tháng và trẻ mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội ở bất kỳ độ tuổi nào.
Cha mẹ đồng hành cùng trẻ tự kỷ sẽ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao. Ảnh: Quang Nhật |
Thực tế hiện nay, không ít phụ huynh khi bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ vẫn không tin đó là sự thật. Nhiều trường hợp, cha mẹ đã biết tình trạng của con, đưa con đến điều trị nhưng khi về nhà không dành thời gian cho con khiến quá trình điều trị không mang lại nhiều kết quả. Cũng có những trường hợp cha mẹ bỏ cuộc, đến khi trẻ có hành vi bất thường mới trở lại điều trị khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn… Thậm chí phụ huynh có con bị tự kỷ rất e ngại khi đưa con vào bệnh viện điều trị vì sợ sự kỳ thị của xã hội. Trong khi đó, trẻ mắc chứng tự kỷ cần được phát hiện, điều trị sớm, giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, dễ can thiệp nhất.
Khi điều trị rối loạn phổ tự kỷ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ sẽ được áp dụng phương pháp âm ngữ trị liệu, can thiệp hành vi, sử dụng AAC để phát triển ngôn ngữ, giảm thiểu các hành vi không phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh sự can thiệp của các bác sĩ thì cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc can thiệp và mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em.
“Cha mẹ là người chăm sóc, theo dõi con từ nhỏ, là người hiểu con nhất. Thời gian can thiệp tại nhà rất quan trọng với trẻ, khi được tiếp xúc với môi trường tự nhiên quen thuộc, gia đình hiểu thói quen, tính cách, những hoạt động được tạo ra một cách tự nhiên nhất sẽ giúp trẻ tiến bộ nhanh hơn. Do đó, đối với trẻ tự kỷ, cha mẹ sẽ là người đồng hành cùng con trong suốt chặng đường đời”, bác sĩ Ngân nhấn mạnh.
Ngọc Lan - Mai Lê
Ý kiến bạn đọc