Khi thức giấc, đừng vội dậy ngay
Mỗi sáng thức dậy, đừng vội dậy ngay mà hãy nằm nán lại vài phút, khởi động cơ thể và cẩn thận từ việc xỏ chân vào giày dép đến việc mở cửa phòng bước ra ngoài trời, để tránh tai nạn không mong muốn xảy ra, nhất là với người già, người mắc bệnh…
Khi ngủ, đại não ở trạng thái ức chế, cơ năng sinh lý vận động theo chế độ chậm lại, tim đập chậm, huyết áp thấp, máu dồn về chân, tay, cơ thể đang nghỉ! Thức giấc, ta thở mạnh hơn, tim đập nhanh hơn, nhịp thở tăng. Cơ thể từ trạng thái nghỉ sang trạng thái động, làm cho máu dồn nhanh lên não (có thể quá tải).
Một bệnh nhân đang được châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh minh hoạ: Đình Thi. |
Vì thế, khi thức giấc hãy nán lại vài phút. Nằm lăn đi, lăn lại vài vòng. Não chưa tỉnh hẳn, ta hãy xoa huyệt “bách hội”. Cách tìm huyệt “bách hội”: Hai ngón tay cái đặt vào cửa 2 lỗ tai, 4 ngón còn lại ôm lấy đầu, chỗ gặp nhau của đầu 2 ngón tay giữa là huyệt “bách hội”. Lấy ngón tay trỏ, xoa đi xoa lại huyệt “bách hội” vài lần, người sẽ tỉnh lại, cơ thể khởi động từ từ. Tiếp theo, lấy tay xoa nhẹ nhàng vùng ngực, thở sâu nhiều lần, rồi xoa tay chân, sau đó mới từ từ ngồi dậy. Tuyệt đối tránh ngồi dậy ngay một cách đột ngột.
Bước xuống khỏi giường, trước khi xỏ chân vào dép hoặc giày, phải soi đèn kiểm tra xem có rắn, rết, côn trùng nằm trong giày dép hay không.
Trong đêm, nhất là gần sáng nhiệt độ trong phòng và ngoài trời có độ chênh lệch lớn. Từ trong phòng, trong chăn ấm, mở cửa ra ngoài, gió lùa, cơ thể bị lạnh đột ngột, dễ bị gục ngã, bất tỉnh. Dân ta thường cho là bị gió độc, nhưng thực ra là bị thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn đến tai biến. Những người có bệnh huyết áp hoặc bệnh tim rất dễ bị rơi vào tình trạng này. Do đó, khi mở cửa ra ngoài, cần mở hé cửa, đứng sau cánh cửa một lúc, cho cơ thể quen dần với nhiệt độ bên ngoài, và nhớ mặc thêm áo để giữ ấm cơ thể.
Phạm Duy
Hội Đông y Buôn Đôn
Ý kiến bạn đọc