Để công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt hiệu quả
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2013. Sau 11 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá được nâng lên rõ rệt, góp phần hạn chế việc gia tăng tỷ lệ người hút thuốc, xây dựng môi trường văn minh không khói thuốc; song việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết: Là cơ quan đầu mối, hằng năm CDC đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCTHCTL tỉnh ban hành kế hoạch PCTHCTL, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTHCTL, tác hại của khói thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân...
Để hoạt động PCTHCTL đạt hiệu quả, 3 năm một lần, Quỹ PCTHCTL cũng đã hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu để cập nhật dữ liệu khoa học, chính xác kịp thời cho Quỹ làm cơ sở điều chỉnh các hoạt động can thiệp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho giáo viên. Ảnh: B. Trọng |
Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhận thức về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường của cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị cũng như người dân có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ người đang hút thuốc tại tỉnh Đắk Lắk là 19,9%, giảm so với năm 2018 (26%), thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước.
Tỷ lệ người trưởng thành nhận thức đúng về tác hại của thuốc lá với sức khỏe trên địa bàn tỉnh khá cao, có tới 92,7% cho rằng hút thuốc lá có thể gây ra những bệnh nguy hiểm và có 66,6% người trả lời tin rằng hút thuốc lá có thể gây ra bệnh đột quỵ, đau tim, ung thư phổi.
Đặc biệt, tỷ lệ môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan/đơn vị trực thuộc và thuộc ngành quản lý trên địa bàn tỉnh là 2.357 đơn vị trên tổng số 2.545 đơn vị (đạt 92,6%).
Điều đó cho thấy quá trình triển khai Luật PCTHCTL trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành và nhận thức của người dân ngày một nâng cao, công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá đã có tác dụng rõ nét.
Mặc dù công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Bác sĩ Lê Phúc chia sẻ, một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thói quen hút thuốc và nhận thức về Luật PCTHCTL còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng hút thuốc tại cơ quan.
Việc tham gia xây dựng cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế không khói thuốc chưa thực hiện được triệt để, chưa thực sự tuân thủ các quy định về PCTHCTL. Một số nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn... vẫn còn hiện tượng hút thuốc lá. Việc thực thi Luật PCTHCTL vẫn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe cao.
Các sản phẩm thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá rẻ nên người dân dễ dàng tiếp cận, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt, trong những năm gần đây tình trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, nhất là trong lứa tuổi học sinh ngày càng tăng.
Công an huyện Ea Súp được tập huấn các kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: B. Trọng |
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Luật PCTHCTL, thời gian tới, ngành y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo PCTHCTL các cấp; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi thói quen, hành vi sử dụng thuốc lá...
Thu Huế - Mai Lê
Ý kiến bạn đọc