Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng
Qua 5 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát và kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
Đi đầu trong phòng, chống dịch bệnh
Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/10/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh hình thành trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị gồm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe và Trung tâm Phòng chống Ký sinh trùng - côn trùng. Sự ra đời của CDC Đắk Lắk đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng chất lượng, phù hợp với mô hình bệnh tật trong nước và các nước phát triển.
Thầy thuốc Ưu tú, Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, Giám đốc CDC chia sẻ, thời gian đầu thành lập CDC gặp rất nhiều khó khăn vì nằm rải rác ở 5 vị trí khác nhau cùng các vấn đề về nhân lực, vật tư, kinh phí, công tác chuyên môn… Đặc biệt giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chưa đạt yêu cầu khiến "khó chồng thêm khó". Khó khăn là thế nhưng tập thể cán bộ, viên chức của CDC đã nỗ lực hết mình để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khống chế các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan. Các dịch bệnh như tả, dịch hạch, thương hàn, cúm A H5N1, sốt vàng, viêm não virus, viêm màng não do não mô cầu được kiểm soát tốt; loại trừ uốn ván sơ sinh, bại liệt. Các dịch bệnh lưu hành hằng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu được khống chế, xử lý kịp thời.
![]() |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh. |
Đặc biệt, trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, CDC Đắk Lắk đã luôn khẳng định được vai trò đầu ngành trong công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch; trực tiếp tham mưu UBND tỉnh, Sở Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đội ngũ cán bộ y tế của CDC Đắk Lắk không ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp tham gia ở tuyến đầu chống dịch, đơn vị đã chủ động thành lập các đội cơ động luôn sẵn sàng có mặt ở các điểm nóng, vùng tâm dịch, chủ động truy vết thần tốc, cách ly triệt để. Xuyên suốt quá trình chống dịch, đơn vị còn tích cực hỗ trợ các địa phương trong việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra ca bệnh, khử khuẩn môi trường đến thống kê báo cáo, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19…
Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và do thiếu vắc xin cục bộ nên các dịch bệnh như sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà… xuất hiện trở lại và gia tăng số trường hợp mắc bệnh. Trong 5 năm qua, CDC đã chủ động xây dựng, tham mưu các kế hoạch, giải pháp phù hợp với từng tình huống dịch bệnh và tình hình của địa phương để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, CDC đã chủ động đẩy mạnh hoạt động tiêm chủng, tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng khi có đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân.
Hoàn thành tốt mục tiêu đề ra
CDC hiện có 14 khoa, phòng, gồm 3 phòng chức năng và 11 khoa chuyên môn với 169 cán bộ viên chức, nhân viên y tế. Bên cạnh việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, đẩy mạnh tiêm chủng, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, phòng chống HIV/AIDS… cũng được CDC chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ. Với các chức năng nhiệm vụ phòng, chống các bệnh không lây nhiễm phổ biến như: đái tháo đường, ung thư, tim mạch, những năm qua, CDC đã đề ra các kế hoạch về chiến lược phòng, chống các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị tại Đắk Lắk đạt 77,1%; tỷ lệ bệnh nhân tim mạch được quản lý điều trị đạt 18,5% và quản lý, điều trị cho hơn 2.300 bệnh nhân ung thư.
![]() |
Các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham gia khám chữa bệnh cho người dân. |
Công tác phòng, chống HIV/AIDS được duy trì thực hiện tốt, hiện đơn vị đang quản lý, chăm sóc, hỗ trợ 1.669 người nhiễm HIV/AIDS. Hằng năm đơn vị triển khai tư vấn cho trên 7.000 lượt người nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị ARV cho 612 bệnh nhân, điều trị cho 184 bệnh nhân Methadone và 5 năm qua, đã hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 80 sản phụ. Công tác dinh dưỡng được chú trọng ngay từ tuyến cơ sở. Các chương trình giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, hoạt động phòng, chống thiếu vitamin A và thiếu vi chất dinh dưỡng luôn được triển khai thường xuyên, bảo đảm trẻ từ 6 - 60 tháng và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A đầy đủ.
Bên cạnh đó, các chương trình khác như phòng, chống sốt rét, chăm sóc sức khỏe sinh sản và truyền thông giáo dục sức khỏe... cũng được CDC quan tâm thực hiện duy trì tốt. Tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét giảm hằng năm, không có bệnh nhân sốt rét ác tính, không có tử vong do sốt rét và toàn tỉnh không có dịch sốt rét xảy ra. Đến hết năm 2024, đã có 10 đơn vị được công nhận loại trừ bệnh sốt rét…
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc