Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ trẻ hóa bệnh suy thận mạn

06:41, 24/07/2025

Suy thận mạn – căn bệnh trước đây từng được cho là nỗi lo tuổi già hiện đang có nguy trẻ hóa.

Dù đang ở độ tuổi lao động nhưng anh P.V.H. (SN 1992, xã Ea Tiêu) hiện là bệnh nhân chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. 15 năm trước, phát hiện cơ thể có dấu hiệu phù nề ở tay, chân, mặt, anh H. được gia đình đưa đi thăm khám và phát hiện bị suy thận giai đoạn 3.

Kể từ khi mắc bệnh, anh H. duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn mặn, thức ăn có muối, uống thuốc và tái khám đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. 3 năm trở lại đây, bệnh diễn tiến nặng và chuyển sang giai đoạn cuối nên anh H. phải lọc thận thường xuyên.

Tương tự, anh T.V.T. (SN 1990, xã Ea Ning) đã "sống chung" với bệnh suy thận mạn tròn 18 năm. Năm 17 tuổi, đôi mắt có dấu hiệu mờ dần, anh T. nhập viện khám và phát hiện mình đã mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Suốt những năm qua, đều đặn 3 ngày/tuần anh T. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để lọc thận.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Bình, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, trong 5 năm trở lại đây, bệnh suy thận mạn tính đang có xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Qua theo dõi, bệnh viện ghi nhận không ít bệnh nhân trong độ tuổi 20 - 35 đã phải chạy thận, ghép thận để duy trì sự sống.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân chưa thực sự chú trọng đến việc chăm sóc và khám bệnh từ sớm. Đa phần bệnh nhân khi nhập viện với hội chứng Ure huyết cao, phù thận cấp thì đã thiếu máu rất nhiều, bệnh nhân khó thở, lơ mơ nói nhảm. Mặt khác, với bệnh nhân tuổi đời còn trẻ mắc bệnh suy thận mạn thường là do lối sống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn nhanh, uống ít nước, thường xuyên thức khuya, hút thuốc, lạm dụng bia rượu và thuốc giảm đau, kháng sinh bừa bãi. Ngoài ra, các bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường vốn cũng đang trẻ hóa là “thủ phạm” thầm lặng dẫn đến tổn thương thận nghiêm trọng.

Hầu hết bệnh nhân chạy thận nhân tạo không có khả năng lao động, gia cảnh khó khăn. Dù người bệnh hoàn toàn có thể ghép thận để duy trì sự sống, nhưng vì trải qua thời gian dài lọc thận nên có nhiều vấn đề phát sinh như thiếu máu, phải truyền máu kháng nguyên khác vào cơ thể; hay như nguy cơ mắc bệnh tim, viêm gan B, C cũng sẽ gây khó khăn trong ghép thận.

Người bệnh chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Buôn Hồ.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thị Đoan Dung, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), hiện nay, tình trạng bệnh nhân suy thận có nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng đông và trẻ hóa. Bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo định kỳ ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyện hiện là 190 bệnh nhân/tháng, bệnh nhân chạy thận cấp cứu là 10 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, bệnh viện hiện chỉ có 24 máy chạy thận đã sử dụng lâu năm, thường xuyên hư hỏng, có ngày 1 - 3 máy hư hỏng không thể sử dụng nên luôn trong tình trạng quá tải.

“Nhiều bệnh nhân điều trị suy thận mạn ở bệnh viện hiện còn rất trẻ, có trường hợp mới 20 tuổi; có bệnh nhân đang ở độ tuổi sinh nở, khi mang thai đi thăm khám sức khỏe thì phát hiện mắc bệnh thận mạn. Bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn ở giai đoạn cuối hầu như không còn khả năng điều trị mà chỉ còn cách thay thận, trong khi việc thay thận rất khó khăn, tốn kém. Chính vì vậy, người dân cần có lối sống lành mạnh, không lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường vận động và sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và sàng lọc sớm, bệnh suy thận mạn sẽ để lại gánh nặng lớn cho cá nhân, gia đình và xã hội” – bác sĩ CKII Huỳnh Thị Đoan Dung khuyến cáo.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.