Multimedia Đọc Báo in

Cơm ngon, canh ngọt phục vụ người dân khu cách ly

08:07, 13/08/2021

Giai đoạn cao điểm, mỗi ngày các cán bộ, nhân viên nuôi quân của Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) chuẩn bị gần 2.000 suất cơm phục vụ người dân và các lực lượng chức năng trong những khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Công việc vất vả nặng nhọc, cả ngày lấm lem dầu mỡ, thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, song các chiến sĩ nuôi quân luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy, hết lòng vì những bữa cơm ngon, canh ngọt, để tuyến đầu “ăn no, đánh thắng”.

Ngày nào cũng vậy, các chiến sĩ nuôi quân thường bắt đầu công việc từ lúc 3 giờ sáng. Như một dây chuyền sản xuất khép kín, trong lúc các chiến sĩ trẻ tập trung thái thịt, nhặt rau, bóc hành, giã tỏi, dọn bàn, lau bếp, đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vũ Thị Thủy và thượng úy QNCN Trần Thị Ái Vy sẽ đảm nhiệm việc vo gạo, nấu cơm, tẩm ướp gia vị, chế biến các món ăn. Từ sáng sớm đến cuối chiều, khu nhà bếp luôn rộn ràng, thơm nồng. Thức ăn sau khi chế biến sẽ được chia vào các hộp nhỏ, có đũa, thìa, nước mắm, hộp canh riêng rất lịch sự, ngon mắt.

Thiếu tá Triệu Văn Mạnh, nhân viên hậu cần Trung đoàn 584 giới thiệu: Thực đơn bữa sáng của bà con thường có cơm sườn, cơm trứng, bún giò, mì quảng, cháo gà, bánh mì kẹp thịt, ai muốn ăn món gì thì đăng ký trước với chỉ huy khu cách ly để họ tổng hợp, gửi thông tin về. Bữa trưa, bữa tối, nhà bếp sẽ nấu nướng theo thực đơn do Phòng Hậu cần xây dựng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, đúng 5 giờ 45 sáng, 10 giờ 30 trưa và 17 giờ chiều, xe của Phòng Hậu cần sẽ đến tận cửa bếp tiếp nhận, chuyển cơm canh xuống các khu cách ly cho bà con.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh chuẩn bị cơm phục vụ người dân trong khu cách ly.

Từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar nhận nhiệm vụ lên tăng cường cho bếp ăn của Trung tâm, đã mấy tháng nay thượng úy QNCN Đào Đức Học chưa được về thăm gia đình.

Anh Học chia sẻ: “Nhiều chị, nhiều cô trong tổ phục vụ có chồng cũng là bộ đội đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch nhưng họ vẫn yên tâm tư tưởng, hết lòng, hết sức vì những bữa cơm ngon. Mấy tuần nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng công dân đến cách ly y tế tập trung tăng cao khiến công việc của đội ngũ nuôi quân càng trở nên vất vả. Việc cùng lúc phục vụ nhiều đối tượng như người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý, bệnh nền… với khẩu vị, định lượng ăn khác nhau, tuy khá căng thẳng, áp lực song cũng giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết”.

Ngày nào cũng bận, từ nhiều tháng nay các cán bộ, chiến sĩ nuôi quân nơi đây chẳng biết thứ bảy, chủ nhật là gì. Việc chia thức ăn sát giờ, để cơm canh vẫn còn nóng sốt khi đến tay bà con khiến các nhân viên phục vụ phải làm việc rất vất vả, nhiều khi chân tay vô tình bị bỏng mà chẳng biết.

Trực tiếp phụ trách, chỉ huy công tác bảo đảm hậu cần, Trung tá Nguyễn Văn Minh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 584 cho biết, mỗi ngày đơn vị cung cấp gần 1.600 suất ăn cho các lực lượng chức năng và người dân trong hai khu cách ly y tế tập trung trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch, toàn bộ lương thực, thực phẩm được tiếp nhận, khử khuẩn theo đúng hướng dẫn của cơ quan hậu cần. Mỗi ngày, quân y đơn vị đều kiểm tra, đo thân nhiệt cho các cán bộ, nhân viên từ 2 - 3 lần. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ tại đây, các cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối không được ra ngoài doanh trại.

“Cơm ngon không phải nhiều tiền/Vẫn tiêu chuẩn ấy cộng thêm nhiệt tình”, câu khẩu hiệu quen thuộc, gần gũi của các bếp ăn bộ đội thực sự là mệnh lệnh không lời, thôi thúc các đầu bếp áo lính ngày đêm tận tụy, hết lòng vì những bữa cơm ngon, góp phần nhỏ bé cùng tuyến đầu ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.