Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn chú trọng tuyên truyền phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới

06:51, 12/08/2021

Huyện Buôn Đôn có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương huyện Buôn Đôn đặc biệt chú trọng tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.

Ông Ngô Sỹ Kỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Buôn Đôn cho biết: Những năm qua, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã định hướng cho các cấp, các ngành có liên quan tập trung triển khai, thực hiện công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền phân giới, cắm mốc gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp lý song phương giữa Việt Nam và Campuchia; về quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia nói chung, giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri, giữa huyện Buôn Đôn và huyện Conhet nói riêng; những thành quả đã đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc, quản lý biên giới; vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới…

Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sêrêpốk đến tận từng hộ gia đình tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc.

Hình thức tuyên truyền cũng được triển khai một cách đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng như: tuyên truyền chuyên đề về phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới; lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt thôn, buôn; tuyên truyền nhỏ, lẻ đến từng hộ dân. Các hội, đoàn thể còn tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan cột mốc biên giới, tặng quà, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp, các ngành và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn huyện Buôn Đôn tổ chức được 87 buổi tuyên truyền với hơn 5.300 lượt người dự.

Đơn cử như ở xã biên giới Krông Na, trong những năm qua, xã đã phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng (Sêrêpốk, Bo Heng, Yok Đôn) và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn, nhất là tuyên truyền nội dung Luật Biên giới quốc gia và văn bản pháp lý song phương giữa hai nhà nước như: Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia...

Chốt kiểm dịch COVID-19 của Đồn Biên phòng Yok Đôn làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới.

Bà Nang Bun Sốm Lào, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết: “Chúng tôi phối hợp tuyên truyền cho người dân nhận thức được âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để nêu cao tinh thần cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu. Cùng với đó, xã đã cử lực lượng phối hợp tham gia cùng các đồn biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép…”.

Đồn Biên phòng Sêrêpốk đứng chân trên địa bàn xã Krông Na. Đơn vị đã thường xuyên thông tin đến nhân dân về kết quả công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền nói chung và kết quả công tác phân giới, cắm mốc đoạn biên giới của huyện nói riêng; về kết quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời vận động nhân dân khu vực biên giới tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới.

Song song với công tác tuyên truyền, các lực lượng biên phòng, công an và quân sự trên địa bàn huyện Buôn Đôn cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, mốc quốc giới; thành lập các chốt trên tuyến biên giới duy trì 24/24 giờ nhằm quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân được huyện Buôn Đôn quan tâm, duy trì hiệu quả nhằm xây dựng mối quan hệ hai bên biên giới đoàn kết, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.