Multimedia Đọc Báo in

Căng mình chốt trực, tích cực giúp dân

07:03, 12/11/2021

Chia sẻ với những khó khăn của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa, có người thân thuộc đối tượng F0, F1 phải đi điều trị, cách ly y tế tập trung, những ngày qua, ngoài việc tham gia các tổ truy vết, chốt chặn, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) còn tích cực tỏa về các thôn, buôn giúp đỡ bà con gặt lúa, hái cà phê, chăm sóc đàn vật nuôi.

Gần hai tháng liền tham gia truy vết, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng và tuần tra, chốt trực, kiểm soát địa bàn khiến anh Y Lem Niê, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường An Lạc và các cán bộ, chiến sĩ dân quân gầy rộc, hốc hác hẳn đi. Thế nhưng, mỗi khi cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức lực lượng xung kích, tình nguyện xuống các buôn Tring 1, Tring 2, Tring 3 hỗ trợ, giúp đỡ bà con thu hái cà phê, hoa màu, nông sản, các chiến sĩ “sao vuông” đều hăng hái tham gia.

Thời tiết lúc nắng, lúc mưa; ruộng rẫy, nơi ở xa phải đi bộ qua mấy quả đồi mới tới, nơi bên khe suối, nước sâu, bùn non ngập đến tận thắt lưng… song các chiến sĩ chẳng nề hà.

Cán bộ, chiến sĩ dân quân phường An Lạc gặt lúa giúp người dân trong khu vực phong tỏa.

Tại khu rẫy của gia đình ông Y Thuôn Niê (buôn Tring 1), sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, các chiến sĩ dân quân, công an, thanh niên tình nguyện đã thu hái xong toàn bộ 1,5 ha cà phê và gần 2 sào lúa nước. Tất cả thành phẩm được các “sao vuông” đóng bao, cân đong, ghi chép số liệu công khai, cụ thể và vận chuyển về bàn giao cho Tổ tự quản buôn Tring 1 để phơi khô, bảo quản, bàn giao lại cho gia đình.

Ông Y Thuôn cảm kích: “Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình đều đổ cả vào mấy sào rẫy, vậy mà gần đến ngày thu hoạch vợ chồng tôi lại phải đi cách ly, điều trị tập trung khiến chúng tôi rất lo lắng. Được các chiến sĩ giúp trông coi nhà cửa, thu hái cà phê, lúa nước, chăm sóc đàn vật nuôi, tôi rất yên tâm, phấn khởi. Qua thông tin của Ban tự quản thôn, năng suất, chất lượng cà phê của gia đình tôi năm nay dường như nhỉnh hơn năm trước một chút”.

Trực tiếp chỉ huy và tham gia tổ thu hái cà phê, gặt lúa giúp dân của Ban CHQS phường An Lạc, anh Y Khoa Niê, Trung đội trưởng dân quân cơ động cho biết: “Rẫy nhà ông Y Thuôn nằm ở xã Ea Drông, cách buôn Tring 1 gần 20 km, đi lại rất khó khăn, vất vả. Để tiết kiệm thời gian, hằng ngày chúng tôi phải mang cơm nắm, đi từ lúc tờ mờ sáng đến tận tối khuya mới trở về. Quá trình hái cà phê, kéo bạt, chuyện gặp ong vò vẽ, kiến vàng, rắn lục, chúng tôi không ngại vì đều là dân lao động cả. Khổ nhất là những lúc vác cà, vác lúa từ trong rẫy ra khu vực tập kết, mệt đến thở nơi tai, bởi đường xa và dốc lắm. Lúc khó khăn, hoạn nạn bà con mới nhờ mình giúp nên anh em luôn làm việc rất hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm”.

Nhiều máy móc, phương tiện được các chiến sĩ huy động để gặt và tuốt lúa giúp người dân.

Mở tin nhắn Zalo khoe tấm ảnh chụp đám ruộng lúa nước diện tích hơn 2 sào đã được các lực lượng chức năng thu hái, cày xới kỹ càng, cẩn thận, ông Y Ghen Niê (buôn Tring 2) bày tỏ: “Khi biết tin cả gia đình phải đi cách ly tập trung, tôi xin phép chính quyền cho nán lại, tự cách ly trong rẫy 3 ngày để gặt nốt đám ruộng, bởi “xanh nhà hơn già đồng”, sợ khi trở về, lúa quá vụ, rụng hết bông. Cảm thông với hoàn cảnh đã có lực lượng xung kích, tình nguyện chung tay hỗ trợ. Tầm chục ngày sau, khi lúa chín rộ, mấy chú dân quân huy động lực lượng đến thu hoạch giúp, rồi chụp ảnh gửi cho vợ chồng tôi đấy”.

Tin tưởng anh em dân quân, trước lúc lên xe đi cách ly y tế tập trung, bà H’Mai Niê (52 tuổi), chị H’ Duyên Niê (45 tuổi) và nhiều gia đình khác cùng trú buôn Tring 2 đã giao hết toàn bộ khóa nhà, khóa cổng, nhờ Ban CHQS phường ngày ngày cắt cử lực lượng đến tưới rau, hoa, cây cảnh và chăm sóc hộ đàn vật nuôi gồm 24 con chó, 18 con mèo, 52 con lợn, 14 con bò, 2 con trâu, 8 con dê, 316 gà, vịt, ngan, ngỗng. Nhà cách đơn vị chưa đầy cây số, lại mới cưới vợ, song gần 2 tháng nay, anh Y Báo Mlô, chiến sĩ dân quân cơ động không thể về thăm gia đình. Chiều nào cũng vậy, vừa hết ca trực, anh lại tất tả chạy xe xuống các buôn cùng đồng đội chặt chuối, vớt bèo, thái rau, nấu cám cho đàn vật nuôi. Thấy cháu H’Hoan Niê ở buôn Tring 2 mới 17 tháng tuổi đã phải theo ông bà vào khu cách ly, thi thoảng anh Nguyễn Văn Hoàng Vũ, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường và các chiến sĩ lại góp tiền mua cho cháu vài lốc sữa, phần quà.

Theo bà H’Thúy Mlô, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS phường An Lạc, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch, để bà con yên tâm đi cách ly, điều trị, cấp ủy, Ban CHQS phường và các lực lượng chức năng đã chủ động rà soát, lên phương án hỗ trợ cụ thể đối với từng hộ dân. Thời gian qua, các lực lượng đã đóng góp hàng trăm ngày công hỗ trợ bà con thu hái mùa màng, chăm sóc đàn vật nuôi. “Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn”, sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ dân quân và các lực lượng chức năng được bà con ghi nhận và đánh giá rất cao. Nhiều chiến sĩ tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vợ con nằm trong khu vực bị phong tỏa, cách ly song vẫn hăng hái tham gia trực chốt, giúp dân cùng đồng đội và các lực lượng chức năng”.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.