Multimedia Đọc Báo in

"Thực túc" trên điểm chốt biên cương

10:53, 22/12/2021

Trên các chốt phòng, chống dịch COVID-19 dọc biên giới tỉnh, cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh vẫn chú trọng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Chốt phòng, chống dịch COVID-19 Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk nằm cách đồn khá xa. Xác định quân số trực đông, nhiệm vụ còn gian nan và lâu dài, nên cán bộ, chiến sĩ đã tranh thủ thời gian xây dựng khu tăng gia một cách bài bản, khoa học.

Khu tăng gia gần suối Đắk Đam nên tận dụng được nguồn nước tưới, đất cằn được cải tạo bằng cách chở đất mùn từ bãi bồi sông, ủ hoai mục phân bò để bón thêm. Bộ đội cũng tận dụng các cây le rừng làm giàn trồng cây thân leo, làm chuồng chăn nuôi. Tranh thủ ngày nghỉ, Đồn huy động nhân lực, bê tông hóa trục chính khu tăng gia, phân chia các luống rau trồng, xây dựng thêm hàng rào chắc chắn. Dày công đầu tư, khu tăng gia của chốt luôn phủ xanh nhiều loại cây trồng. Dịp Tết cận kề, cũng là thời điểm chốt bội thu các loại rau củ quả, như rau dền, xà lách, cà tím, su hào, củ cải, đậu ve... Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên đơn vị tâm tình: Cùng với sự nỗ lực của Đồn, biết anh em làm nhiệm vụ ở điểm chốt chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nên các nhà hảo tâm vẫn thường xuyên quan tâm, động viên. Mới đây, chốt được hỗ trợ thêm thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, máy nổ nên bộ đội đã có thể sử dụng thêm các phương tiện nghe nhìn hiện đại mà không phải lo thiếu điện.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất trên các điểm chốt phòng dịch.

Tại hai điểm chốt cố định của Đồn Biên phòng Ea H’leo, việc bảo đảm nguồn thực phẩm tại chỗ luôn được đơn vị chú trọng. Theo Trung tá Lưu Minh Hưng, Chính trị viên Đồn, nếu tính đường chim bay, các chốt chỉ cách đồn vài ba cây số, nhưng con đường thực tế xa hơn, gập ghềnh hơn nhiều, lần lượt là 6 km và 15 km.

Ở chốt trên địa bàn thôn Nhạp (xã Ia Lốp), rau xanh được bộ đội xuống giống gối vụ quanh năm. Trên mảnh đất vùng biên nắng nóng cằn cỗi, các anh như những “chuyên gia nông nghiệp”, luôn biết lựa chọn giống cây trồng và cách gieo trồng, chăm sóc phù hợp từng thời điểm, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng. Nhờ đó mà mùa nào thức nấy, tổ chốt luôn có nguồn thực phẩm xanh dồi dào và nguồn thức ăn để phát triển chăn nuôi các loại gia cầm.

Ở chốt tiếp giáp Đồn Biên phòng Ia R’vê, những khó khăn về nguồn nước tưới, thổ nhưỡng không làm khó được bộ đội. Đa dạng hóa các loại rau trồng, ngoài xây dựng vườn rau ngay điểm chốt, cán bộ, chiến sĩ còn tranh thủ mang theo giống rau muống nước gieo xuống bờ các dòng suối cạn trên đường tuần tra. Bén rễ tự nhiên, rau sinh trưởng và phát triển mạnh, đồng thời góp phần tạo môi trường cho các loài sản vật sông, suối thêm sinh sôi, nảy nở...

Sắc xanh trên chốt phòng dịch Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk.

Thi đua tăng gia trên điểm chốt, bộ đội Đồn Biên phòng Yok M’Bre luôn có sự cân nhắc, tính toán để thực hiện hiệu quả mục tiêu trồng cây gì, nuôi con gì. Đến nay, điểm chốt đã quy hoạch bài bản vườn rau trồng, đào ao thả cá chép, rô phi, cá lăng, thêm đa dạng nguồn thực phẩm sạch cho bộ đội. Thiếu tá Bùi Xuân Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yok M’Bre chia sẻ rằng, sống độc lập giữa rừng, người lính trên điểm chốt xác định tâm thế thực hiện "nhiệm vụ kép" còn lâu dài, nên mỗi ngày luôn cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành tốt chức trách được giao phó.

Quản lý bảo vệ vững chắc biên giới và phòng, chống dịch COVID-19, hiện Bộ đội Biên phòng tỉnh đang triển khai, duy trì 9 chốt cố định trên đường biên. Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, khắc phục những khó khăn ban đầu, hai năm qua, đời sống bộ đội trên điểm chốt ngày càng được quan tâm cải thiện. Đặc biệt, phát huy nội lực, hầu hết các điểm chốt đều đã phát triển công tác tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ an toàn, chất lượng, dồi dào, giúp bộ đội nâng cao sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ lâu dài trên biên giới.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.