Gian nan nghề huấn luyện chó nghiệp vụ
Được tận mắt chứng kiến một buổi huấn luyện chó nghiệp vụ ngoài thao trường của các cán bộ, chiến sĩ Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ), Công an tỉnh, mới thấu hiểu những vất vả, gian nan và cả hiểm nguy mà các anh phải đối mặt.
Những người thầy đặc biệt
Vào những năm 1990, Công an tỉnh quyết định thành lập Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Phòng CSCĐ nhưng sau đó không lâu thì giải thể và đến năm 2001 hoạt động trở lại.
Hiện Đội có 32 biên chế, trong đó có 23 cán bộ, chiến sĩ đảm nhận công tác huấn luyện 23 chó nghiệp vụ thuộc 3 dòng chó là béc-giê Bỉ (Malinois), béc-giê Đức và cocker Tây Ban Nha. Đây là những giống chó có ưu thế vượt trội về thể hình, tốc độ, khả năng đánh hơi và chiến đấu. Đội có 5 chuyên khoa, gồm: bảo vệ và truy tìm dấu vết hơi; phát hiện các chất ma túy; phát hiện các chất gây nổ; giám biệt mùi hơi người và tìm kiếm, cứu nạn.
Trước giờ chuẩn bị luyện tập |
Trung úy Phạm Quốc Hồng có hơn 5 năm kinh nghiệm, đang đảm nhận huấn luyện chó nghiệp vụ có tên Ben từ năm 2019 đến nay. Thời gian đầu, do chưa nắm rõ tính cách, hơn nữa Ben chưa trải qua đợt huấn luyện nghiệp vụ nào nên anh Hồng phải luyện tập từ từ. Sau khoảng 6 tháng, Ben trở nên thân quen, có thể nhận lệnh và thực hiện theo điều khiển của cán bộ huấn luyện. Hiện Ben đã 4 tuổi, nặng gần 40 kg, là chú chó thông minh, dẻo dai và có năng khiếu đặc biệt về nhận biết các chất kích thích nên được đào tạo chuyên ngành phát hiện các chất ma túy.
Trung úy Hồng và Ben cùng nhau luyện tập từ thứ 2 tới thứ 6 hằng tuần, mỗi ngày khoảng 5 - 6 giờ. Ngoài huấn luyện, anh dành thời gian tắm rửa, chải lông, vuốt ve, động viên chú chó của mình, qua đó tạo mối quan hệ "thân hòa". Trung úy Hồng chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều đối tượng có những hành động chống đối lực lượng chức năng, tôi sử dụng Ben làm công cụ hỗ trợ tấn công và trấn áp. Các đối tượng cảm thấy sợ hãi trước sự hung dữ của chó nghiệp vụ”.
Trong khi đó, Thượng sĩ Võ Quyết Tiến đảm nhận huấn luyện chó Blue từ tháng 7/2020 đến nay với chuyên khoa giám biệt mùi hơi người. Đây là chuyên khoa khó trong huấn luyện động vật nghiệp vụ, do đó người huấn luyện phải bình tĩnh, nhẹ nhàng, không được lớn giọng, tạo cho chó tính ôn hòa, bình tĩnh để thực hiện các động tác, tập cho chó điềm tĩnh, hít sâu ngửi và phân biệt các mùi hơi.
Theo anh Tiến, để huấn luyện thành thục một chú chó nghiệp vụ đòi hỏi mỗi cán bộ huấn luyện phải có những kỹ năng cơ bản, tính kiên trì và yêu mến động vật, tâm huyết với công việc. Trong một tháng đầu tiên khi nhận chó, cán bộ huấn luyện sẽ phải làm tốt công tác “thân hòa” từ cho ăn uống, tắm rửa, vuốt ve, chải lông rồi cho chó vận động, dạo chơi, chăm sóc như người cha chăm con nhỏ…
Vất vả, đối mặt với hiểm nguy
Mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác huấn luyện chó nghiệp vụ phải tham gia tập huấn và đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh CSCĐ trong 6 tháng. Trong công tác huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ phải bám sát chương trình, kế hoạch, tuân thủ tuyệt đối các quy định trong huấn luyện, tránh rủi ro, thương tích. Mỗi chó nghiệp vụ được đặt tên gọi khác nhau và sẽ do một cán bộ, chiến sĩ chăm sóc, huấn luyện.
Hằng ngày, buổi huấn luyện bắt đầu bằng những động tác cơ bản như: đứng, nằm, ngồi, bò, đi bộ, vượt vật cản, tấn công đối tượng, đánh hơi đồ vật... Tuy nhiên, hồi hộp, nguy hiểm và ấn tượng nhất vẫn là bài tập truy bắt đối tượng hoặc tấn công trấn áp tội phạm. Để thực hiện được bài tập này thì một cán bộ, chiến sĩ phải ngụy trang thành “quân xanh”.
Huấn luyện chó nghiệp vụ tấn công, trấn áp tội phạm. Ả |
Sau khi được trang bị bảo hộ, “quân xanh” bước ra ngoài thao trường, tay đeo một chiếc gối nhồi bông. Vừa nghe cán bộ huấn luyện ra khẩu lệnh, ngay lập tức các chú chó nhanh như cắt lao đến tấn công mục tiêu. Cuộc tấn công chỉ kết thúc khi “quân xanh” không còn chống cự và hiệu lệnh cán bộ huấn luyện hô dừng lại. Chứng kiến cảnh vật lộn cắn xé giữa chó và "quân xanh", ai cũng thót tim, vì chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.
“Công việc của chúng tôi rất đặc thù, trong quá trình huấn luyện chó dù được trang bị đồ bảo hộ song vẫn xảy ra rủi ro, tai nạn nghề nghiệp như bị chó cắn sai vị trí hoặc cắn xuyên đồ bảo hộ. Có nhiều đồng đội bị chó cắn phải khâu hàng chục mũi, nằm bệnh viện điều trị hàng tháng trời. Tuy nhiên, với tình yêu nghề, yêu thương động vật nên sau khi lành bệnh tất cả lại tiếp tục với nghiệp đã chọn”, Trung tá Hà Quốc Vinh, Đội trưởng Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ cho biết.
Ngoài công tác huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ huấn luyện phải thường xuyên quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ của những "học trò cưng" của mình bởi vì cường độ luyện tập cao, chó nghiệp vụ tiêu hao rất nhiều năng lượng. Thông thường thực đơn của chó nghiệp vụ phải thay đổi hằng ngày, bảo đảm đủ đạm, chất béo với thịt bò, gà, trứng gà hoặc trứng vịt lộn…
Sau những giờ tập luyện vất vả ngoài thao trường, chó nghiệp vụ còn phối hợp với các lực lượng lên đường tuần tra, tấn công các loại tội phạm. Cùng với toàn lực lượng Công an tỉnh và Phòng CSCĐ, Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ đã góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chó nghiệp vụ cũng đã tham gia vào công tác tìm kiếm, cứu nạn rất tích cực và hiệu quả…
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc