Vẽ sông, đắp núi giữa Đà thành
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, chưa đầy một tháng sau khi có mặt tại thành phố Đà Nẵng, các cán bộ, chiến sĩ trong “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Lắk đã thiết kế, xây đắp hoàn chỉnh một chiếc sa bàn rộng 100 m2, tỷ lệ 1/25.000 so với thực địa, phản ánh sinh động, chi tiết, đầy đủ các yếu tố tự nhiên, dân cư, đường sá, sông ngòi của tỉnh Đắk Lắk và các địa phương giáp ranh, phục vụ cuộc diễn tập hiệp đồng quân binh chủng do Bộ Quốc phòng tổ chức trong thời gian tới.
“Vẽ sông, tô biển, xây hồn núi” là cách gọi vui của mọi người khi nói về công việc của các anh.
Chỉ với 7 người, các chiến sĩ vừa tham gia đắp sa bàn, làm nhà bạt khung sắt, vừa chế tác hàng nghìn mô hình, kỹ hiêu quân sự phục vụ diễn tập. |
Tuy đã bước sang mùa thu nhưng những ngày đầu tháng 9, cả miền Trung vẫn nóng như chảo lửa. Để tránh cái nắng cháy da cháy thịt, đảm bảo sức khỏe, quân số phục vụ cuộc diễn tập, hằng ngày các “kiến trúc sư, nhà xây dựng không chuyên áo lính” phải có mặt trên công trường xây dựng từ rất sớm, tất bật thiết kế, thi công, đắp sa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Thành Công, Trợ lý Ban Tác huấn (Phòng Tham mưu) cho biết: “Trong lĩnh vực quân sự, trước mỗi trận đánh, người chỉ huy phải nghiên cứu, nắm chắc quân số, vũ khí, trang bị, quy luật hoạt động của địch và đặc điểm địa hình, thời tiết, mạng lưới giao thông, thủy hệ, dân cư… các khu vực có liên quan, từ đó tính toán, xây dựng phương án tác chiến tối ưu, hiệu quả, vừa đảm bảo thắng lợi, vừa hạn chế thương vong, tổn thất cho lực lượng của ta. Sa bàn quân sự là mô hình thu nhỏ của một khu vực, địa bàn, lãnh thổ, giúp người chỉ huy có thể nghiên cứu, xây dựng phương án tác chiến từ xa, từ sớm. Trong các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập hiệp đồng quân binh chủng đều không thể thiếu sa bàn”.
Chỉ với 7 người, trong một tháng qua, “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ CHQS tỉnh phải thực hiện rất nhiều đầu việc: Từ xây, mộc, điện, nước, cơ khí, hàn xì đến cắt, kẻ, vẽ, anh em đều tự tay làm cả. Dựa trên bản đồ quân sự, quá trình xây đắp sa bàn, mỗi con sông, ngọn núi, tuyến đường đều được các anh thể hiện sinh động, chi tiết theo đúng tỷ lệ 1/25.000. Với độ nghiêng khoảng 7 độ, quá trình diễn tập, các chỉ huy và các đại biểu có thể ngồi một chỗ vẫn quan sát rõ sa bàn.
Các chiến sĩ đánh màu, làm đẹp cho chiếc sa bàn. |
Bên chiếc sa bàn vừa hoàn thành, Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Vinh, Trinh sát viên Đại đội Trinh sát (Phòng Tham mưu) chia sẻ, vật liệu chủ yếu để làm sa bàn là xi măng, cát, sỏi nên quá trình tập bài, mọi người có thể đứng lên bình thường mà không sợ hư hỏng. Cùng một lực lượng, phương tiện, diện tích thi công như nhau, song anh em chiến sĩ ở các tỉnh đồng bằng, ven biển chỉ cần 2 - 3 tuần đã có thể đắp xong một chiếc sa bàn hoàn chỉnh, bởi địa hình của họ rất đơn giản, chủ yếu là một mặt phẳng, thi thoảng mới có một vài ngọn núi, con sông. Riêng với các tỉnh miền núi, có địa hình phức tạp, việc đắp sa bàn sẽ tốn thời gian, công sức hơn rất nhiều lần. Mỗi ngọn núi, con sông, khe suối, quả đồi đều có hình dáng, kích thước riêng, nhiệm vụ của các anh là phải thể hiện được tất cả những điều đó lên trên sa bàn.
Theo các chiến sĩ, màu sắc và dáng địa hình là “linh hồn” của sa bàn, nếu hình dáng các dãy núi chính xác và được phối màu phù hợp, khi nhìn vào sa bàn, mọi người sẽ có cảm giác giống như đang được đứng trước thực địa vậy. Việc phân định ranh giới tiếp giáp giữa Đắk Lắk với các tỉnh bạn; giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh bằng hệ thống đèn led nhiều màu chôn chìm bên dưới là sáng kiến độc đáo của bộ đội trong quá trình đắp sa bàn lần này. Thời tiết nắng mưa thất thường, nếu không tính toán kỹ, quá trình thi công rất dễ xảy ra tình trạng co, nứt làm hư hỏng sa bàn, song với kinh nghiệm thực tế đúc rút sau nhiều lần phục vụ diễn tập, sản phẩm của các chiến sĩ được thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk đánh giá rất cao bởi độ chính xác, tỉ mỉ và tính thẩm mĩ.
Giống như xây nhà, việc đắp sa bàn cũng trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận, kỹ thuật và những bí quyết riêng. Khi chiếc sa bàn cơ bản đã xây xong phần thô, tổ cơ khí do Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hà Quốc Tuấn, nhân viên Trạm sửa chữa (Phòng Kỹ thuật) phụ trách nhanh chóng bắt tay thi công, dựng nhà bạt khung sắt, làm khán đài, phục vụ các đại biểu về chỉ đạo, tham quan, tập bài trong suốt quá trình diễn tập. Cả ngày phơi mình dưới nắng, đêm về các anh lại tranh thủ thời gian chế tác các mô hình ký hiệu, công trình quân sự… để thể hiện lên sa bàn theo đúng ý định của cấp trên. Màu sắc là yếu tố quyết định để phân biệt giữa ta và địch. Nhìn những chiếc xe tăng, máy bay, ô tô, tàu thuyền, khẩu pháo, hàng rào, lô cốt, ngôi nhà, cây cầu… nhỏ như bao diêm, cái kẹo giống y như thật, ai cũng trầm trồ, ngạc nhiên bởi sự khéo léo, tỉ mỉ của các anh. Quá trình thi công, thực hiện nhiệm vụ cùng các đơn vị bạn giúp bộ đội có điều kiện giao lưu, học hỏi, tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức mới và bổ ích.
Hà Lê
Ý kiến bạn đọc