Multimedia Đọc Báo in

Dấu chân biên thùy...

09:21, 04/04/2023

Với bộ đội Biên phòng, nhiệm vụ cao cả, linh thiêng nhất mà các anh vẫn ngày đêm thực hiện là tuần tra biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Đắk Lắk có đường biên giới dài gần 72 km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Trên tuyến biên giới, các đồn biên phòng triển khai lực lượng tuần tra hằng ngày. Đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết, việc tuần tra, kiểm soát biên giới càng phải tăng cường hơn, có những thời điểm bộ đội phải mật phục, “ăn lán, ngủ rừng” nhiều tháng liền.

Bộ đội ở đồn, ai cũng vài ba lần được trải nghiệm cảm giác xuyên rừng, tuần tra biên giới. Với những quân nhân công tác lâu năm, cung đường ấy lại càng quá đỗi thân quen. Không hiếm những chuyến đi người lính phải đối diện những cơn mưa rừng tầm tã, trời đất tối sầm lại, lạnh ướt đến run người. Có khi trước mặt là con nước ầm ào, hung hãn, đáng sợ của mùa mưa lũ. Lại có những chuyến xuyên rừng, các anh như lạc vào bức tranh sơn thủy hữu tình, mà thiên nhiên trao tặng biên cương vào mỗi mùa khô bỏng rát. Dẫu là mưa gió hay nắng hạn, dẫu lội suối hay băng rừng, những bước chân ấy vẫn vững vàng nhịp bước quân hành, không quản gian khó.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng vượt suối tuần tra biên giới.

23 năm mang quân hàm xanh, Thiếu tá Y Lâm Ayun (Đội trưởng Đội Kiểm soát Hành chính, Đồn Biên phòng Bo Heng) dành cả tuổi trẻ cho biên cương Tổ quốc. Anh kể, đa phần những bước đầu tuần tra, ai cũng từng lạc đường rừng, có khi loay hoay cả buổi chiều mới tìm được hướng về đơn vị. Mỗi đợt tuần tra, người lính đi bộ vài chục cây số là chuyện thường. Đi miết cũng thành quen. Quen rồi không còn thấy xa nữa. Những dấu mốc, đường biên, hướng suối, hướng dòng chảy chính là “chìa khóa” cần ghi nhớ, giúp bộ đội xác định phương hướng và cắt đường rừng chuẩn xác.

Gắn bó lâu năm ở biên ải, kỷ niệm trên đường tuần tra với anh Lâm nhiều vô kể, ví như những năm trước, anh và đồng đội thường xuyên gặp voi rừng. Đêm có, ngày có, khi thì vài con, lại có thời điểm chúng kéo cả đàn hơn chục con, cứ ầm ào di chuyển giữa đại ngàn. Trước những tình huống này, bộ đội thường trực quan sát, đồng thời chủ động di chuyển sang hướng khác để không làm voi kinh sợ và bảo đảm an toàn cho chính mình.

Đáng sợ nhất trong bước đường tuần tra, được người lính nhắc nhớ nhiều nhất là rắn hổ mộc (còn gọi là khô mộc), một trong những loài rắn cực độc. Chúng thường nằm cuộn tròn trong lá cây khô nên quá trình tuần tra, bộ đội rất khó phát hiện để tránh. Năm 2019, khi đang công tác ở Đồn Biên phòng Bo Heng, Thiếu tá Hà Ngọc Khương (Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Ia R’vê) không may đụng phải rắn hổ mộc. Biết đồng đội rơi vào thế nguy hiểm, đội tuần tra lập tức ga-rô, đưa anh vào nhập viện sớm nhất có thể. Anh Khương nhớ lại: “Chỉ trong tích tắc, vết cắn đã bầm tím, sưng to, phải chữa trị 10 ngày. Cũng may được đồng đội hỗ trợ kịp thời, nếu không hậu quả còn đáng sợ hơn thế”.

Màu áo chiến sĩ biên phòng hòa cùng màu núi rừng trên bước đường tuần tra.

Trên bước đường tuần tra, chuyện “đụng” phải rắn hổ mộc không phải hiếm. Năm 2015, một học viên về thực tập tại Đồn Biên phòng Ia R’vê cũng suýt nguy hiểm đến tính mạng vì loài rắn cực độc này. Có trường hợp phải thay máu, điều trị dài ngày ở các cơ sở y tế...

Không chỉ gian nguy, thử thách, in dấu trên đường tuần tra còn có cả bao la tình người. Đại úy Hoàng Văn Thương (Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Bo Heng) chia sẻ, 19 năm quân ngũ, anh chứng kiến không biết bao cơn lũ gầm gào nơi biên ải, nhưng tất cả chưa đáng sợ bằng con nước đục ngầu năm 2019.

Khi ấy, lũ trên suối Đắk Đam lên rất nhanh, chẳng mấy chốc nước đã dâng ngập lán trại - nơi 7 công nhân làm đường tuần tra đang trú ngụ. Nhận được tình huống khẩn cấp, anh Thương cùng những đồng đội bơi giỏi nhất của đồn nhanh chóng đến ứng cứu nhân dân. “12 giờ trưa, chúng tôi tức tốc có mặt. Anh em quên hết mệt nhọc, hiểm nguy, bơi giữa dòng lũ đục ngầu nhiều giờ liền để đưa 7 công nhân đến nơi an toàn nhất”.

Trên muôn nẻo đường tuần tra, những vui buồn, khổ cực, gian nguy, người lính biên phòng đều đã nếm trải. Gian khó trui rèn ý chí, niềm vui tiếp thêm động lực, cứ thế dấu chân các anh thêm in đậm trên mọi nẻo đường, để góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.