Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa từ đồng đội

07:55, 28/04/2023

Trên biên ải nắng gió, tình đồng đội trở thành một điểm tựa vững chãi để cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh có thêm động lực, vượt qua khó khăn trong công tác cũng như cuộc sống đời thường.

Vợ chồng Thượng úy QNCN Y Tiết Êban (nhân viên lái xe Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) sinh được hai người con thì cô con gái thứ hai H’Bảo Ngọc Niê (SN 2020) lại mắc bệnh giảm tiểu cầu mãn tính. Con sống chung với bệnh, vợ không có việc ổn định, gia đình lại chưa có nhà ở nên cuộc sống của gia đình anh càng chật vật, khó khăn.

Anh kể, mới vài tháng tuổi, thấy con bị sốt, ốm, nổi ban, quấy khóc đêm ngày, gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám thì phát hiện ra bệnh. Kể từ đó, con gần như sống chung với thuốc, mỗi tháng phải xuống TP. Hồ Chí Minh điều trị hai đợt, chi phí cho thuốc men khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Anh lại công tác ở biên giới, cách nhà cả trăm cây số nên thường canh cánh nỗi lo về hậu phương xa ngái…

Nắm bắt được hoàn cảnh của đồng đội, tháng 9/2022, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê đã vận động cán bộ, chiến sĩ đơn vị đóng góp, hỗ trợ gia đình gần 25 triệu đồng. Lãnh đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên anh Y Tiết nỗ lực vượt khó. Tháng 3 vừa qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức khởi công, hỗ trợ xây dựng nhà ở với kinh phí 80 triệu đồng.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thứ hai từ phải sang) cùng chỉ huy đồn chuyện trò, động viên Thượng úy QNCN Y Tiết Êban (thứ ba từ phải sang).

Trên tuyến biên giới tỉnh, không hiếm cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh ngặt nghèo. Khi bộ đội và hậu phương của họ đang rối bời, lo toan thì đồng đội của các anh đã có mặt kịp thời động viên, giúp đỡ.

6 năm trước, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng hướng về hoàn cảnh của Thiếu tá QNCN Tống Nam Sơn (nhân viên quân khí, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) khi biết tin cả hai người con của anh bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Bé lớn Tống Hà An (SN 2011) sau mổ mắt đã có thể nhìn thấy bình thường, nhưng người con thứ hai Tống Tuệ Minh (SN 2016) từ khi chào đời đã không nhìn thấy ánh sáng.

6 tháng tuổi, Minh đã phải mổ mắt 4 lần, nhưng vẫn không cứu được đôi mắt. Quyết tìm lại ánh sáng cho con, anh chị bán hết tài sản, nhà cửa, vay mượn để đưa con sang Singapore chữa trị lần đầu với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Những lần tiếp sau, những khoản kinh phí hồi phục mắt cho con cứ chất chồng, song do bị ngắt quãng đi lại bởi đại dịch COVID-19 nên kết quả không như mong muốn.

Giữa khi gia đình anh Sơn kiệt quệ cả kinh tế, lẫn tinh thần, đồng đội anh đã cùng đồng hành, hỗ trợ hơn 140 triệu đồng. Nhiều người còn đăng tải thông tin trên phương tiện đại chúng, kêu gọi nhà hảo tâm giúp sức; riêng các đơn vị công tác luôn tạo điều kiện thời gian để anh thu xếp về nhiều hơn với hậu phương của mình.

Luôn có đồng đội ở bên cũng là điều mà Thiếu tá QNCN Lê Minh Hùng (Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo) thường ghi nhớ. Kết hôn 10 năm nhưng không có con, vợ chồng anh đi chữa trị khắp Bắc - Trung - Nam. Đã có những lúc họ mệt mỏi, muốn buông xuôi, nhưng rồi sự quan tâm của đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh.

Bé Bơ là niềm hạnh phúc lớn của gia đình Thiếu tá QNCN Lê Minh Hùng.

Anh Hùng được điều chuyển từ Đồn Biên phòng Yok M’Bre về công tác tại đội địa bàn của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê cách nhà chỉ vài ba cây số. Giúp anh có thêm tâm lý thoải mái, đơn vị luôn hỏi han, chuyện trò; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ chi phí, nơi sinh hoạt để chữa trị hiếm muộn.

Tiết kiệm, góp nhặt, anh chị khăn gói xuống Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh) thụ tinh ống nghiệm, nhưng cũng thất bại. Không nản chí, họ tiếp tục hành trình tái thụ tinh lần hai. Trong khi thăm khám điều kiện sức khỏe thì bất ngờ bác sĩ thông báo, chị đã có thai tự nhiên được 3 tuần. Niềm vui vỡ òa, cho đến nay, khi bé Bơ đã được 5 tuổi, họ vẫn không kìm được niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ, bộ đội làm nhiệm vụ trên biên giới vốn đã nhiều vất vả. Trong đó, có những đồng chí còn gặp phải hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế, nhà ở, hiếm muộn… Tuy vậy, vượt lên tất cả, cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn đặt trọng trách, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới lên hàng đầu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Họ ý thức và cảm nhận được rằng, bên họ luôn có một điểm tựa vững chãi là tình đồng đội.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.