Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa những cách làm hay của phụ nữ quân đội

04:52, 19/04/2023

Không chỉ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn, phụ nữ lực lượng vũ trang tỉnh còn triển khai nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực, góp phần xây đắp thêm truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ.

Mát lòng “Bát nước thao trường”

Những ngày nắng như đổ lửa, hơn 400 chiến sĩ mới của Trung đoàn 584 lại được giải nhiệt bằng những ly nước thơm mát do chính các mẹ, các chị trong đơn vị tự tay làm, hôm thì nước cam vắt, hôm lại chanh dây, trà tắc, nước dừa… Có những ngày chiến sĩ tập bắn đạn thật tại Thao trường 559, cách Trung đoàn cả chục cây số, vậy nhưng Hội Phụ nữ Trung đoàn vẫn phân công hội viên có mặt đúng giờ để giúp bộ đội được thưởng thức những ly nước mát lành sau giờ huấn luyện mệt nhọc.

Những ly nước mát lành do Hội Phụ nữ Trung đoàn chuẩn bị cho bộ đội trên thao trường.

Mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng Thiếu tá Nguyễn Thị Đức Hạnh (hội viên Hội Phụ nữ Trung đoàn) rất hăng hái cùng ra thao trường với chiến sĩ. Chị chia sẻ, nhìn các chiến sĩ mồ hôi ướt đẫm hào hứng đón nhận ly nước được trao, các mẹ, các chị như được tiếp thêm động lực để duy trì mô hình lâu bền. Suốt giờ giải lao, từng nhọc nhằn, mệt mỏi của Hội Phụ nữ và bộ đội như được tan theo từng ly nước, từng câu chuyện thủ thỉ, tâm tình.

Thiếu úy Hồ Văn Phượng, Chính trị viên phó Đại đội 6 (Tiểu đoàn 303) cho hay, cả đại đội hơn 120 người, ai cũng trân quý mô hình “Bát nước thao trường” của Hội Phụ nữ Trung đoàn. Không chỉ giải cơn khát, mà ly nước của các mẹ, các chị là nguồn động viên giúp bộ đội quên đi mệt nhọc, hăng say tập luyện với cường độ cao.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trung đoàn, mô hình “Bát nước thao trường” nhằm hiện thực hóa chủ trương "4 đồng hành" (cấp ủy đồng hành với đảng viên, cấp trên đồng hành cùng cấp dưới, cán bộ đồng hành cùng chiến sĩ, tổ chức quần chúng đồng hành cùng bộ đội) mà Nghị quyết Trung đoàn đề ra. Kể từ đầu năm 2023, Hội Phụ nữ Trung đoàn bắt đầu triển khai mô hình, thông qua việc nắm lịch huấn luyện ngoài thao trường của bộ đội rồi phân công nhau thực hiện. Ngoài trích quỹ Hội Phụ nữ Trung đoàn để thực hiện, mô hình còn có sự giúp sức đắc lực của Đảng ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.

Ý tưởng hay, mô hình hiệu quả

Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ Phòng Tham mưu đã luôn nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để thu hút, tập hợp hội viên, gắn xây dựng Hội vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Với 22 cán bộ, hội viên, từ năm 2003, các chị đã thực hiện đóng góp mỗi người từ 20 - 25 nghìn đồng/tháng để gây quỹ. Cứ thế, tích tiểu thành đại, đến nay, Hội đã xây dựng được nguồn quỹ tiết kiệm trên 64 triệu đồng để cho chị em vay không lãi nhằm phát triển kinh tế. Hầu như chị em nào trong Hội cũng đều tiếp cận được nguồn vay với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng/lượt. Khi các chị, các mẹ về hưu, quỹ “thực hành tiết kiệm” của Hội đều hoàn lại 100% số tiền mà họ từng đóng góp.

Cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Tham mưu phân loại rác thải.

Cùng với việc duy trì hiệu quả mô hình “thực hành tiết kiệm”, năm 2021, bằng việc thu gom phế liệu, giấy loại, lượm lặt để tái chế những thứ không còn dùng, mỗi năm, các chị còn tích lũy được trên 3 triệu đồng. Kinh phí này, Hội dành riêng để thăm hỏi, động viên các cháu có hoàn cảnh khó khăn là con cán bộ từng công tác tại cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, các phong trào “Nuôi heo đất”, các chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các chị đều xông xáo tham gia. Đầu năm 2022, Hội đã tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng Phòng Tham mưu nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Minh Dũng (con của Đại úy Nguyễn Thị Hương, hội viên phụ nữ Phòng Tham mưu đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo). Không chỉ hỗ trợ kinh phí hằng tháng 500 nghìn đồng, các mẹ, các chị còn thường xuyên thăm hỏi, động viên Dũng vượt lên nghịch cảnh để nỗ lực học tập tốt.

Đại úy Mai Thị Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Tham mưu quả quyết: Dù ở lĩnh vực, nhiệm vụ nào, hội viên phụ nữ Phòng Tham mưu đều nỗ lực phát huy trí tuệ, bản lĩnh tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hiệu quả thiết thực từ các mô hình là cơ sở, động lực để chị em chung sức vì phong trào chung “Phụ nữ lực lượng vũ trang tỉnh trí tuệ – bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.