Multimedia Đọc Báo in

Người chủ nhiệm hậu cần năng động, sáng tạo

08:26, 25/08/2023

Là cán bộ trẻ, có tinh thần ham học hỏi, luôn tìm tòi sáng tạo, nhiệt huyết trong công việc, những năm qua, Thiếu tá Trần Văn Kiều (SN 1985), Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật (Ban Chỉ huy Quân sự huyện M’Drắk) luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 2004, sau khi học xong THPT, anh Trần Văn Kiều viết đơn xung phong đi nghĩa vụ quân sự và tham gia huấn luyện tại Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Anh luôn nỗ lực phấn đấu rèn luyện, đạt nhiều thành tích vượt trội trong thời gian huấn luyện, được đơn vị tạo điều kiện cho đi học các lớp: Trợ lý hậu cần tại Trường Quân sự - Quân khu 5; nhân viên kỹ thuật tại Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin (Khánh Hòa) và về làm việc tại Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 2010, anh được điều động về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện M’Drắk và đảm trách Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật  từ năm 2017 đến nay.

Thiếu tá Trần Văn Kiều chăm sóc vườn rau tăng gia sản xuất của đơn vị.

Là Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Ban Chỉ huy Quân sự ở một huyện còn nhiều khó khăn, anh luôn trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội nhưng vẫn đảm bảo mức tiền ăn quy định, góp phần phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Thiếu tá Kiều nghiên cứu, tham mưu cấp ủy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất (TGSX), thực hành tiết kiệm; tổ chức quy hoạch lại khu TGSX theo hướng tập trung, phù hợp với quy hoạch tổng thể trong đơn vị.

Đơn vị đã tập trung cải tạo đất bằng chất mùn và phân hữu cơ; áp dụng các biện pháp truyền thống để diệt trừ các loại sâu bệnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu tận dụng nguồn phế phẩm của nhà bếp, từ rau củ ngoài vườn nên giảm chi phí đầu tư, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện đơn vị có 1.000 m2 vườn rau xanh; 200 m2 vườn thuốc nam; 2.000 m2 khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để công tác TGSX đạt hiệu quả, Ban hậu cần lên kế hoạch phân về cho các ban, bộ phận thực hiện (bình quân tăng gia 10 kg rau xanh/người/tháng). Từ TGSX, chăn nuôi, hằng năm đơn vị đã thu hoạch trên 3.400 kg rau, củ, quả các loại; 550 kg thịt heo, gia cầm. Ngoài ra đơn vị đã phát động trồng hơn 200 cây ăn trái như bưởi da xanh, nhãn, vải, mít trong khuôn viên đơn vị.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Thiếu tá Trần Văn Kiều vẫn luôn đảm bảo khẩu phần ăn cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị. Bên cạnh đó, anh cũng tham mưu Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ lương thực, thực phẩm giúp người dân nơi phong tỏa, có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, đơn vị đã quyên góp được gần 100 triệu đồng tiền mặt, 3 tấn gạo, 150 thùng mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu như: rau củ quả, trứng gia cầm, dầu ăn, nước mắm… góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.