Multimedia Đọc Báo in

Những dấu chân nơi cửa khẩu... (kỳ 3)

07:45, 11/08/2023

Kỳ 3: Đồng bào là anh em ruột thịt

Không chỉ có những mặn mòi của ngàn giọt mồ hôi đã đổ theo dấu chân các anh để cùng nhân dân miền biên nơi cửa khẩu tìm phương cách làm ăn thay đổi cuộc sống, chúng tôi còn được thấm thía hơn về phương châm, lý tưởng sống: Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.

Nơi miền biên viễn, bộ đội và nhân dân là một gia đình. Ân nghĩa với đồng bào đã thôi thúc để dấu chân các anh lại đậm khắc với mong mỏi sẻ chia với những cảnh đời khốn khó, cùng thôn, làng, buôn, bon vượt qua những thử thách, gian nan.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y kiểm tra cột mốc khu vực ngã ba biên giới.

Đã là người một nhà thì quản chi việc lớn hay nhỏ, các anh cùng xắn tay như việc của mình. Tắt lửa tối đèn, khó khăn trong cuộc sống thường nhật đều có các anh với những câu chuyện thật đời, thật ấm lòng, thật ý nghĩa.

1. 74 tuổi, bà Đoàn Thị Hồng ở thôn 1 (xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) vừa làm bà, vừa làm mẹ của ba đứa cháu, đứa lớn nhất mới học lớp 5, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi. Con gái bà làm mẹ đơn thân, lại đi làm ăn xa ở tận trong miền Nam; thương con thương cháu, bà đón cả ba đứa nhỏ về nuôi.

Thân già chẳng đủ sức khỏe làm thuê làm mướn nữa, ngày ngày bà nhặt nhạnh mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, phế liệu. Căn nhà tạm bợ, xiêu vẹo, chẳng đủ che nắng che mưa cho bốn bà cháu mỗi khi mưa tạt gió lùa. Thương bà như mẹ, thương ba đứa trẻ như con, như cháu, năm 2020, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) phối hợp xây tặng mấy bà cháu ngôi nhà nhỏ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê thường xuyên lui tới thăm nom gia đình bà Đoàn Thị Hồng (xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).

Thiếu tá Trần Thông, Chính trị viên phó của Đồn kể: Nhìn cảnh mẹ Hồng đội nắng đội mưa, lọc cọc trên chiếc xe đạp cà tàng, chở theo đứa cháu nhỏ 2 tuổi đi tìm nhặt phế liệu, ai cũng thương. Để vơi bớt khó khăn cho bốn bà cháu, đầu năm 2023, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã phối hợp nhận đỡ đầu cháu lớn nhất là Nguyễn Gia Hân. Sinh ra trong gia đình chỉ có mẹ, cuộc đời của ba đứa trẻ lớn lên không biết cha mình là ai nhưng các em được chia sớt, vơi bớt tủi khổ khi có thêm người chú, người cha là những chiến sĩ quân hàm xanh ở Đồn Biên khẩu Cửa khẩu Đắk Ruê.

“Tiếp sức cho miền biên ải, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk nói chung và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê nói riêng luôn nỗ lực triển khai đa mô hình, hoạt động thiết thực nhất, hướng về người dân khó khăn nhất. Trao đi niềm tin yêu, người lính quân hàm xanh cũng nhận lại bấy nhiêu nghĩa tình, để từ đó đôi bên thêm thấu thiểu, gắn kết tình quân dân” -  Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk bày tỏ.

2. Anh Hoàng Ngọc Hưng ở thôn Ia Mút (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị mắc bệnh rối loạn cơ, sức khỏe yếu không làm được việc nặng. Kinh tế gia đình đều trông vào tiền đi bán cá ngày ngày của vợ. Vợ chồng anh có với nhau hai đứa con. Đứa con gái 6 tuổi của anh chị bị bệnh tim bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ, đau ốm liên miên, đến giờ vẫn như đứa trẻ 1 tuổi, nói còn chưa sõi. Cậu con trai lớn Hoàng Ngọc Sơn cũng gầy gò, nhỏ thó so với các bạn cùng trang lứa. Ngày ngày nhìn con lọc cọc đạp xe hơn 6 cây số đến trường, ngày nắng còn đỡ, ngày mưa xe hỏng, áo quần, sách vở ướt hết, đến xót xa.

Thương con nhưng kinh tế gia đình khốn khó, anh chị cũng chẳng có điều kiện chăm bẵm hơn. Chia sẻ với hoàn cảnh của Sơn cũng như 15 học sinh khác, khoảng 10 năm nay cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đã cùng nhau góp tiền, tăng gia sản xuất để duy trì “Bếp ăn tình thương” phục vụ bữa cơm trưa cho học trò nghèo trên địa bàn xã Ia Dom. Sơn hớn hở: “Ăn cơm với chú bộ đội vừa được ăn no, vừa ngon hơn ở nhà”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình anh Hoàng Ngọc Hưng (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có hai con, trong đó có một cháu nhỏ bị bệnh tim và thiểu năng trí tuệ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thiều, cán bộ Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bày tỏ: Trong năm học, trưa nào cũng đông vui tíu tít; ngày hè bữa cơm của đội thiếu vắng tiếng bọn nhỏ cũng thấy nhớ. Mâm cơm ấm cúng, gắn kết như một gia đình. Các anh hiểu được từ sở thích món ăn đến những sở trường, điểm yếu trong học tập ở các môn học của từng cháu, được lắng nghe những tâm tình của các cháu về chuyện trong gia đình và cả những ước mơ sau này, mà ước mơ nhiều nhất là được làm bộ đội. Thời điểm ôn thi học kỳ hay chuẩn bị kết thúc năm học, các anh không quên nhắc các cháu học bài, ôn tập; để rồi trong bữa cơm đứa thì hớn hở khoe điểm tốt, đứa lại sụt sùi tiếc nuối vì chủ quan khi làm bài nên kết quả chưa như mong muốn.

Thiếu tá Thiều kể và nói đó là những chuyện nho nhỏ nhưng với đồng bào ở Ia Dom thực sự lại ý nghĩa và sâu sắc vô cùng.

3. Ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), Y Uyên (dân tộc Brâu) được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum) nhận nuôi theo chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” từ 3 năm trước. Ngoài công việc chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ của Đồn cắt cử, thay nhau đến nhà bảo ban Y Uyên học bài. Mỗi tháng, em được Đồn hỗ trợ 500 nghìn đồng.

Nhắc đến bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, chị Y Ly - mẹ Y Uyên - lúc nào cũng rơm rớm nước mắt vì xúc động. Bởi, gia đình chị từng được Đồn hỗ trợ làm nhà ở, tặng bò làm kế sinh nhai, cán bộ, chiến sĩ còn thay nhau lui tới thăm nom, khi thì tặng sách giáo khoa, khi thì mua cho bộ quần áo mới cho Y Uyên...

Y Uyên (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) được chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y hướng dẫn học bài.

4. Trong ký ức của già làng Y Pan (dân tộc Brâu) ở thôn Đắk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thì đồng bào Brâu – một trong 10 dân tộc ít người nhất ở nước ta, trước kia có nhiều hủ tục như tục cúng bái chữa bệnh, “mẹ chết con theo” bởi theo cái lý rằng: không chôn con thì ma mẹ về đòi con mà gây chết chóc cho dân làng, quấy nhiễu những người còn sống... Đã đi qua hơn 80 mùa rẫy, cảnh tượng kinh hoàng đã từng đeo đẳng xảy ra với thôn làng ở nơi thâm sơn này như phụ nữ tự sinh ra ở nhà rồi băng huyết qua đời, cái chết oan nghiệt của những đứa trẻ mới chào đời đã bị bắt chôn sống theo mẹ... vẫn hằn in trong tâm khảm già Y Pan.

Già Y Pan là một y sĩ, một người có trình độ trong thôn Đắk Mế. Già thấy cảnh tượng ấy đau lòng một, bộ đội biên phòng cũng đau lòng mười vì nơi biên giới xa xôi, dân làng chính là gia đình của các anh.

Quyết tâm giúp đồng bào Brâu xóa bỏ những hủ tục, già Y Pan cùng bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y ra sức vận động, tuyên truyền để bà con hiểu và từng bước làm theo. Những hủ tục ăn sâu bám rễ như cây cổ thụ trong rừng, bào mòn cuộc sống người dân, trở thành rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội, không thể ngày một ngày hai mà xóa bỏ. Bộ đội biên phòng đã bám làng, gây dựng phong trào học tập, hướng dẫn bà con lao động sản xuất, xây dựng nếp sống mới.

Thiếu tá Trần Văn Thương, cán bộ của Đồn nhớ lại giai đoạn 2015 - 2020, khi được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y, anh đã cùng với chính quyền địa phương tìm cách thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Anh đến từng nhà, hướng dẫn bà con làm chuồng để nuôi heo, bò; vận động người làng đưa cây cà phê, cao su, mắc ca, cây ăn trái... vào trồng để từng bước nâng cao thu nhập, đẩy lùi cái đói, cái nghèo.

Già Y Pan ở thôn Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum xem bộ đội biên phòng như con như cháu.

Khi cái ăn đã từng bước cải thiện thì lại lo đến cái chữ. Mô hình “tiếng kẻng học tập” khi đó được phát động rộng khắp trong toàn xã. Cứ 7 giờ tối, nghe tiếng kẻng, nhà nhà đều sáng ánh đèn, trẻ em chăm chú học từng con chữ; nhà nào mở ti vi to thì bị nhắc nhở... Cùng với đó, công tác xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên cũng được quan tâm đúng mực. Từ chỗ “trắng” đảng viên, đến nay, thôn Đắk Mế đã có 9 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên người Brâu. Đó chính là những phương cách để bộ đội thay đổi, nâng cao nhận thức của đồng bào Brâu, góp sức đẩy lùi các hủ tục.

Già Y Pan nói: “Hồi trước, hủ tục nhiều lắm, dân làng lo cúng bái, đuổi theo những nghi lễ lạc hậu đến nỗi... không còn thời gian để làm ăn. Giờ thì đồng bào Brâu đã không tổ chức đám ma dài ngày, không giết mổ nhiều trâu, bò, lợn, gà rườm rà, tốn kém mỗi khi làng có hiếu hỷ, ma chay; không cho con cái tảo hôn, cưới hỏi cận huyết thống. Nhờ bộ đội, cái đầu dân làng đã sáng hơn nên biết làm những điều sáng”.

(Còn nữa)

Kỳ 4: Thêm xanh vườn cây tình hữu nghị

Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.