Multimedia Đọc Báo in

Thêm kinh nghiệm cho bộ đội “3 bám, 4 cùng”

08:30, 22/09/2023

Hội thi "Dân vận khéo" trong Bộ đội Biên phòng tỉnh là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn, đã giúp các đội thi đúc rút thêm kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện “3 bám, 4 cùng” (bám trụ, bám dân, bám địa bàn và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) nơi biên cương.

Trong phần thi “Kiến thức và xử lý tình huống”, tất cả các tình huống mà Ban tổ chức đặt ra cho các đội đều rất thực tế, đòi hỏi người chiến sĩ quân hàm xanh phải dùng chính kinh nghiệm, năng lực của mình để linh hoạt xử lý thấu đáo, phù hợp.

Khéo léo xử lý tình huống hai hộ dân gần kề mâu thuẫn do quá trình đào ao, gây sụt lún, nứt tường nhà hàng xóm, Đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Bo Heng nhanh chóng nhận định, vụ việc thuộc thẩm quyền, lĩnh vực của địa phương giải quyết.

Tham gia giải quyết dứt điểm vụ việc này, cán bộ vận động quần chúng trực tiếp xuống nhà dân để đánh giá thực tế, sau đó báo cáo, đề xuất cấp trên tham mưu cho địa phương một số nội dung như: Mời lãnh đạo UBND xã cùng đại diện các cơ quan liên quan đến hiện trường xem xét tình hình, đánh giá mức độ thiệt hại và nguy hiểm của ngôi nhà bị sụt lún; yêu cầu dừng ngay việc đào ao để tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra; mời hai gia đình lên xã làm việc, giải thích ngọn ngành về mặt pháp lý cũng như tình cảm; đồng thời đề nghị chấm dứt việc đào ao, có biện pháp khắc phục…

Các đội tham gia phần thi kiến thức và xử lý tình huống.

Mang đến hội thi kinh nghiệm tuyên truyền người dân tránh bẫy “việc nhẹ lương cao”, Đồn Biên phòng Yok M’Bre mở đầu tiểu phẩm với phân cảnh tại buôn làng có thanh niên lười lao động, đang nói chuyện với phụ huynh về việc bản thân chuẩn bị vượt biên đi làm ăn, với công việc tốt, thu nhập cao do “một người bạn” giới thiệu. Thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt được thông tin, Đội công tác của đồn phối hợp cùng các tổ chức, đoàn thể đến từng nhà chuyện trò, vận động bà con chấp hành pháp luật, nắm bắt tâm tư gia đình. Khi đến gia đình nói trên, tổ công tác hỏi rõ sự tình, biết chuyện thanh niên nên đã khuyên ngăn, phân tích các tình huống để thanh niên và phụ huynh cảnh giác trước thủ đoạn, hành vi của những kẻ buôn bán người qua biên giới.

Xoáy sâu vào vấn đề thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép, Đồn Biên phòng Ea H’leo gây ấn tượng với tiểu phẩm “Để biên giới được bình yên”. Qua bám nắm địa bàn và được người dân cung cấp thông tin, đơn vị biết một gia đình đang sử dụng súng để săn bắt trái phép. Xác minh thông tin, đơn vị cũng biết thêm người đàn ông này một mình nuôi hai con đang tuổi ăn, tuổi học; trong đó con gái út có học thức cao, được ông yêu thương hết mực. Từ đó, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà tuyên truyền, tập trung tác động vào con gái út của ông để cháu cùng vận động ông việc thu nộp vũ khí, vật liệu nổ… Cuộc chuyện trò chân thành, hợp lý hợp tình đã khiến người đàn ông từ chỗ nóng nảy, nhất quyết không chịu nhận mình tàng trữ vũ khí trái phép, đã thay đổi thái độ nhẹ nhàng, sẵn sàng giao nộp vũ khí lại cho bộ đội.

Tiểu phẩm "Để biên giới được bình yên" của Đồn Biên phòng Ea H'leo.

Chú trọng vào thực tiễn địa bàn, các đội thi đã mang đến nhiều tiểu phẩm dân vận khéo với các thực trạng, vấn đề “nóng” hiện nay như: người dân nghe lời xúc giục của kẻ xấu, đi theo “Hội Thánh Đức Chúa Trời”; học sinh vùng biên bỏ học; hay công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trái phép… Không chỉ truyền tải kinh nghiệm dân vận qua từng tiểu phẩm, phần dự thi của các đội còn được đánh giá cao bởi những chất liệu trong các tiểu phẩm đều rất thực, rất đời, gắn với cuộc sống hằng ngày ở cơ sở…

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Hội thi là dịp để cán bộ, chiến sĩ trong Bộ đội Biên phòng tỉnh tập huấn nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm thực tiễn nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực về công tác vận động quần chúng trên địa bàn biên giới.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.