Multimedia Đọc Báo in

Gần hơn đường đón các Anh về...

08:27, 10/12/2023

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, song vượt lên tất cả, nhân dân và các cấp, ngành, địa phương đã và đang nỗ lực, dốc sức để gần hơn đường đón các Anh về...

Trọn nghĩa, vẹn tình

Khi đào móng xây nhà vào năm 2019, gia đình ông Phạm Đăng Chung nằm ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột đã phát hiện một bộ hài cốt còn ít xương, dép cao su, cúc áo, tăng võng đã mục nát. Cẩn trọng cất bốc hài cốt người đã khuất, vợ chồng ông đưa phần mộ về Nghĩa trang Tịnh xá Ngọc Thành để chôn cất, nhang khói.

Sau này, Đội K51 và Ban Chỉ đạo 24 TP. Buôn Ma Thuột nhận được thông tin về phần mộ đã phối hợp cùng ông Chung xác minh, khai quật, kiểm tra và kết luận là mộ liệt sĩ. Các đơn vị, địa phương cùng ông Chung đã đưa liệt sĩ về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Ông Chung bồi hồi: “Kể từ thời điểm phát hiện mộ liệt sĩ đến nay, dịp Tết, ngày 27/7, ngày 22/12 hằng năm, gia đình tôi đều giành thời gian đến thắp hương tưởng nhớ và tri ân người đã mất. Dẫu liệt sĩ chưa rõ tên, nhưng với gia đình, từ lâu đã như người thân thuộc”…

Lực lượng vũ trang dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, những năm qua, các cấp ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động tìm kiếm, tri ân những người con ưu tú của quê hương, đất nước. Từ năm 2017 đến nay, Hội Cựu chiến binh các địa phương đã phát gần 94.000 phiếu đến từng cá nhân, hộ gia đình và thu về 98,39% phiếu, trong đó có 116 phiếu có giá trị thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội cũng đã vận động 35 lượt cựu chiến binh phối hợp khảo sát xác minh, dẫn đường cho Đội K51 và cơ quan quân sự làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ thông tin cựu chiến binh cung cấp đã giúp 208 gia đình liệt sĩ biết nơi chôn cất để thăm viếng và chuyển hài cốt liệt sĩ về gia đình chăm sóc, quản lý.

Khắc ghi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Đắk Lắk luôn tâm niệm, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ là nghĩa tình với người hy sinh, mà còn là trách nhiệm của những người được hưởng tự do, hạnh phúc. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản hoàn thành kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở cả 3 cấp (xã, huyện, tỉnh). Trong công tác tìm kiếm, xác minh, kết luận thông tin, quy tập hài cốt liệt sĩ, lực lượng chức năng chủ động phối hợp tìm hiểu, kiểm chứng, giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hiện tượng tiêu cực, nhất là các tổ chức, cá nhân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp “ngoại cảm”.

Càng khó càng nỗ lực

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn toàn tỉnh còn khoảng 4.200 liệt sĩ, mộ liệt sĩ chưa được tìm kiếm, quy tập; riêng TP. Buôn Ma Thuột còn khoảng 1.600 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Theo thời gian, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ càng khó khăn, nguyên nhân chính là sổ sách quản lý lưu trữ liệt sĩ chưa đầy đủ, thông tin liệt sĩ còn thiếu, chưa chính xác, nơi an táng ban đầu thường ghi chung chung; quá trình quy tập thời kỳ sau giải phóng chưa chặt chẽ, một số hài cốt liệt sĩ bị thất lạc thông tin, không lưu lại hồ sơ; quá trình đô thị hóa nhanh, hệ thống giao thông phát triển gây khó khăn cho việc xác định vị trí, nơi hy sinh, chôn cất liệt sĩ ban đầu…

TP. Buôn Ma Thuột tổ chức an táng hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trên địa bàn năm 2022.

Khó chồng khó, song việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ luôn là mệnh lệnh từ trái tim, thôi thúc các đơn vị, ngành chức năng cùng vào cuộc. Tại huyện Krông Năng còn 146 liệt sĩ được chôn cất ban đầu, đến nay chưa tìm thấy. Trung tá Nguyễn Tiến Chức, Chính trị viên phó, Chủ nhiệm Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Năng cho biết, công tác tuyên truyền đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, đơn vị đã tích cực phối hợp cùng Hội Cựu Chiến binh huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cùng các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân về ý nghĩa, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin mộ liệt sĩ. Đặc biệt, việc tuyên truyền chú trọng vào các địa bàn trọng điểm, vùng đồng bào dân tộc tại chỗ, vùng hậu cứ cách mạng như buôn Dliê Ya A (xã Dliê Ya); bảo đảm 100% cán bộ, nhân dân nắm bắt, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, mới đây, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh và Hội Cựu Chiến binh tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, giai đoạn 2023 - 2030. Đại tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 515 tỉnh chia sẻ: Càng khó thì việc nỗ lực càng phải nhiều hơn, trách nhiệm hơn. Sự dốc sức, vào cuộc chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong thời gian đến sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm vận động cung cấp thông tin; tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.