Multimedia Đọc Báo in

Người thương binh năng động làm giàu

08:48, 18/07/2017

Đến thăm cơ ngơi của ông Phạm Huyền ở thôn Cư Nghĩa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar và nghe kể về quá trình lập nghiệp trên vùng đất mới, chúng tôi càng thêm cảm phục nghị lực vượt khó của người cựu chiến binh, thương binh hạng 4/4 ấy.

Mặc dù đã có 2 anh trai gồm Phạm Lường và Phạm Dương là liệt sỹ nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1973, ông Huyền tình nguyện tham gia du kích địa phương. Đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, ông trở về đời thường với vết thương ở đầu thỉnh thoảng lại đau khi trái gió trở trời. Sau khi lập gia đình, nơi vùng biển quê nhà cuộc sống khó khăn nên đến năm 1988 ông đưa cả gia đình vào Đắk Lắk làm kinh tế mới.

Thế mạnh sản xuất nông nghiệp nơi vùng đất mới hoàn toàn xa lạ đối với vợ chồng ông. Ông dốc toàn bộ vốn liếng mua được 1 ha đất, dựng tạm căn nhà tranh để ở. Sau khi tìm hiểu, học hỏi người dân trong vùng, vợ chồng ông cũng trồng cây đậu, bắp lấy ngắn nuôi dài. Tích lũy được đồng vốn nào ông đều dành dụm mua thêm đất sản xuất. Trên 8 ha đất mới mua cách nhà hơn 10 km, hằng ngày vợ chồng ông quần quật trồng tỉa, vun xới cây cối. Trời không phụ lòng người, thời điểm đó, mỗi năm gia đình ông thu hoạch trung bình trên 55 tấn bắp.

Thương binh Phạm Huyền (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây tiêu.
Thương binh Phạm Huyền (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây tiêu.

Khi diện tích đất sản xuất của gia đình đã tăng lên 15 ha, ông nghĩ đến chuyện chuyển đổi từ hoa màu sang trồng cây công nghiệp dài ngày và quyết định chọn tiêu, cà phê là cây trồng chủ lực. Sau một vài lần thất bại, dần dần ông đã tích lũy được kinh nghiệm chăm sóc cây tiêu, cà phê. Bên cạnh việc chọn giống phù hợp, làm cỏ, xới đất, tỉa chồi thường xuyên, ông còn chú trọng đào rãnh thoát nước, trồng cây keo làm trụ sống cho tiêu, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây trồng, hạn chế phân hóa học. Nhờ vậy, vườn cây của gia đình ngày càng xanh tốt, đã duy trì thời kỳ kinh doanh được trên 20 năm. Khi con cái trưởng thành, ông chia bớt diện tích đất sản xuất cho các con, chỉ giữ lại 5 ha, bình quân mỗi năm thu được hơn 11 tấn tiêu khô, giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương theo mùa vụ và 2 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Với kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu lâu năm, gia đình ông còn sản xuất thêm tiêu giống cung cấp cho những hộ có nhu cầu và sẵn lòng hướng dẫn cách trồng, chăm sóc giúp bà con trong vùng phát triển kinh tế. Để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, mùa mưa năm 2017, gia đình ông đã trồng xen 2.500 cây mãng cầu trong vườn tiêu. Đối với những diện tích tiêu đã già cỗi, năng suất thấp hoặc bị sâu bệnh, ông hướng dẫn các con phá bỏ chuyển sang trồng cây điều.

Sau hơn 30 năm lập nghiệp ở Đắk Lắk, nhìn lại cơ ngơi đã gây dựng được nhà cửa, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, sản xuất, 5 con đã học xong đại học, cao đẳng, 4 con đã lập gia đình riêng, ông Huyền cảm thấy vui và tự hào vì đã xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”. Vinh dự hơn, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7-2017), ông Huyền là một trong những cá nhân được tỉnh đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen thương binh làm kinh tế giỏi giai đoạn 2012-2017. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.