Multimedia Đọc Báo in

Những thương, bệnh binh "tàn nhưng không phế"

07:51, 26/07/2017

Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể, máu xương để lại ở chiến trường, những cựu chiến binh năm xưa vẫn lạc quan, yêu đời, tự mình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đó là những thương, bệnh binh “tàn nhưng không phế” hiện đang sinh sống trên địa bàn huyện M’Đrắk.

Ông Nguyễn Văn Chiến, thương binh ¼ hiện đang sinh sống tại tổ dân phố 6, thị trấn M’Đrắk là một người có công tiêu biểu của huyện. Năm 1966, ông Chiến nhập ngũ vào Tiểu đoàn 406-đặc công trực thuộc Quân khu 5, từng tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 ở Quảng Ngãi. Sau ngày đất nước thống nhất, ông về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 1985 – 1999, ông là Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện M’Đrắk rồi nghỉ hưu. Hơn 30 năm trong quân ngũ, cống hiến xương máu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Chiến về hưu với tình trạng sức khỏe giảm sút 24%.

Bệnh binh Hồ Như Thật (phải) giới thiệu mô hình trồng hồ tiêu hiệu quả của gia đình.
Bệnh binh Hồ Như Thật (phải) giới thiệu mô hình trồng hồ tiêu hiệu quả của gia đình.

Không chịu nghỉ ngơi, ông Chiến vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội tại địa phương. Ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6, thị trấn M’Đrắk đến nay. Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ được tôi luyện nhiều năm trong quân đội, ông Chiến luôn tâm niệm rằng mình còn may mắn hơn những đồng đội đã hy sinh lúc chưa nhìn thấy đất nước độc lập nên phải cố gắng làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với cương vị là Bí thư, ông chủ động cùng với Chi bộ xây dựng nhiều chương trình, nghị quyết lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng tổ dân phố văn minh. Chi bộ tổ dân phố 6 hiện có 9 đảng viên tại chỗ và 27 đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú, đóng vai trò là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở khu dân cư, chất lượng sinh hoạt Đảng không ngừng được nâng cao. Ngoài các buổi sinh hoạt định kỳ, ông Chiến còn cùng với Chi ủy Chi bộ lựa chọn các vấn đề thời sự, liên quan trực tiếp đến địa phương như xây dựng đô thị văn minh, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, không lấn chiếm hành lang giao thông, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm... để đảng viên tham gia góp ý, bàn phương hướng thực hiện. Nhờ vậy, nhiều năm liền, Chi bộ tổ dân phố 6 được công nhận trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen; tổ dân phố đạt Chuẩn văn hóa. Thành tích đó có sự đóng góp tích cực của thương binh – Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Chiến.

Bệnh binh Hồ Như Thật (thôn 4, xã Krông Jing) cũng là một tấm gương tiêu biểu vượt khó, vươn lên làm kinh tế giỏi. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Thật là chiến sĩ Trung đoàn 572-giao liên cơ giới trực thuộc Bộ Tư lệnh 559, tham gia vận chuyển vũ khí trên đường Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông được điều về công tác tại Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh 559), rồi Tổng đội 600 Cục Xây dựng (Tổng cục Hậu cần) làm công tác tuyên huấn, đóng quân ở huyện Khăng Khay, tỉnh Xiêm Khoảng (Lào). Tháng 8-1982, ông phục viên trở về quê hương với tình trạng sức khỏe của bệnh binh ¾, mất sức 51%.

Rời tay súng, bệnh binh Hồ Như Thật lại tay cuốc, tay cày vươn lên trên “mặt trận chống đói nghèo". Năm 1989, ông Thật và vợ con rời quê hương vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế, làm công nhân nông trường Krông Jing (huyện M’Đrắk). Không cam chịu đói nghèo, ông đã bàn bạc với vợ con nhận khoán 1,3 ha đất trồng cà phê của nông trường, tích cực khai hoang, tích lũy mở rộng đất trồng lúa, nuôi heo, bò, gà... Sau bao năm gian khó, đến nay gia đình ông Thật đã xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con với 800 trụ hồ tiêu năm thứ 4, cà phê, lúa, rau màu kết hợp chăn nuôi heo, gà... cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, có một cơ ngơi khang trang, đủ điều kiện nuôi 6 người con ăn học đến nơi đến chốn.

Tiến Đức – Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.