Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng của Bác Hồ với thương binh, liệt sỹ

15:41, 25/07/2017

Sinh thời, Bác Hồ đã dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ những tình cảm đặc biệt và tấm lòng thương yêu vô hạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn sau đổi là Hội giúp binh sĩ bị thương được thành lập ở Thuận Hóa, Hà Nội và một số địa phương khác. Bác Hồ là Hội trưởng danh dự của Hội.

Chiều 28-5-1946, Hội tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội. Bác Hồ đã đến dự. Trong buổi họp này, đại diện Tổng bộ Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, coi đây là một hành vi yêu nước.

Mở đầu cuộc vận động này, chiều ngày 17-11-1946, cũng tại Nhà  hát lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức một buổi lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”. Buổi lễ vinh dự được đón Bác Hồ và các thành viên trong Chính phủ. Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ. Chiếc áo này sau đó đem bán đấu giá được 35 nghìn đồng dùng để tặng thương binh, chiến sĩ ngoài mặt trận.

Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (năm 1956). Ảnh tư liệu
Bác Hồ đến thăm Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội (năm 1956). Ảnh tư liệu

Sau “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” chưa đầy nửa năm, tháng 6 -1947, Bác chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh toàn quốc để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái. Thực hiện Chỉ thị của Bác, một hội nghị trù bị được tổ chức tại  xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại Hội nghị này, đại biểu các cơ quan, ban ngành Trung ương, khu, tỉnh nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27 tháng 7 làm Ngày Thương binh toàn quốc.

Ngay chiều hôm đó - 27 tháng 7 năm 1947 - một cuộc mít tinh trọng thể được tổ chức tại Đại Từ có khoảng 2.000 người tham gia, được nghe Ban tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc trịnh trọng đọc Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là bức thư đầu tiên của Bác Hồ nhân Ngày Thương binh, liệt sỹ. Từ đó, hằng năm, cứ đến ngày 27 - 7, Bác Hồ không chỉ có thư thăm hỏi mà còn gửi quà cho thương binh và gia đình liệt sỹ.

Để có một cơ quan chức năng của Chính phủ đặc trách chăm lo công việc trọng đại này, ngày 3-10-1947, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh, tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay.

Năm 1948, sau chiến thắng Thu Đông Việt Bắc và nhân kỷ niệm lần thứ 2 Ngày Thương binh 27-7, trong một bức thư gửi thương binh, gia đình liệt sỹ và đồng bào cả nước, Bác viết: “Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống… Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên bồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài liệt sỹ…Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh” (1). Đối với thương binh, Bác luôn luôn ân cần căn dặn là phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội nhân dân. Bác viết: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã là người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”(2).

Bác còn kêu gọi đồng bào noi gương oanh liệt của thương binh, liệt sỹ ra sức đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Bác không những đề cao sự cống hiến của thương binh, liệt sỹ mà còn đề cao sự cống hiến của gia đình họ và dành cho tình cảm đặc biệt. Như cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định có 8 người con, trong đó có 6 người con tham gia kháng chiến mà 4 người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc, tháng 9-1948, Bác Hồ có thư thăm cụ Yên, trong thư có đoạn: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: Một nhà trung hiếu/Muôn thuở thơm danh”.Nhân dịp này, tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi” (3).

Ngày Thương binh 27-7-1952, Bác lại có thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh, gửi biếu một tháng lương để làm quà cho anh em và không quên chuyển lời hỏi thăm ân cần tới anh em thương binh và gia đinh liệt sỹ. Trong thư, Bác còn dặn dò anh em phấn đấu giữ vững phẩm chất người thương binh, bệnh binh: “Phải hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan chán nản. Phải luôn luôn cố gắng. Trước kia, anh em đã xung phong diệt giặc thì ngày nay anh em sẽ tùy điều kiện mà xung phong tăng gia sản xuất” (4).

Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Bác còn căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”…Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng với hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (5).

Bác Hồ đã đi xa, nhưng tấm lòng của Bác với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ còn sống mãi với non sông đất nước.

(1), (2), (3) Hồ Chí Minh Toàn tập-NXB CTQG-H-1995-T 5- tr 175-176-

(4) Sdd – T 6 – tr 532-533

(5) Sdd - T 12 - tr 503-504.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.