Multimedia Đọc Báo in

Về Quảng Ngãi thăm Trường Lũy

08:58, 25/08/2019

Di tích Trường Lũy ở Quảng Ngãi là công trình độc đáo và kỳ vĩ đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 2011, đi qua các huyện Trà Bồng, Sơn Tịnh, Sơn Hà, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ, Đức Phổ.

Trường Lũy là loại hình di tích đặc biệt có quy mô lớn, có những di tích liên quan mật thiết không thể tách rời là lũy - đường cổ - hệ thống đồn/bảo và phong cảnh thiên nhiên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Di tích Trường Lũy ở Quảng Ngãi dài 113 km. Ở khu vực núi cao, lũy hiện vẫn còn gần như nguyên vẹn, nhất là phần lũy xây bằng đá. Theo các nhà nghiên cứu, trên toàn tuyến lũy có hơn 70 di tích đồn/bảo được xây bằng đá, hoặc bằng đất có hào bao quanh. Đa phần các di tích này còn nguyên vẹn, cụ thể như đồn/bảo ở thôn Thiên Xuân (thuộc xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành), đồn/bảo Kim Long (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành) có diện tích khá lớn.

Độ cao trung bình của Trường Lũy Quảng Ngãi là 45 m. Địa bàn huyện Nghĩa Hành có điểm lũy cao nhất là trên 200 m, chủ yếu ở các đèo, đồi núi như đèo Phước Lộc ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) với 221 m, đèo Chim Hút thuộc xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) với 227 m...

Một đoạn của Trường Lũy.
Một đoạn của Trường Lũy.

Theo các bộ chính sử của triều Nguyễn do Quốc sử quán biên soạn và những trang sử liệu khác, khoảng giữa thế kỷ 16, một vài đồn/bảo ở miền tây Quảng Ngãi được Trấn quận công Bùi Tá Hán, vị quan trấn thủ vùng đất Quảng Nam xưa (bao gồm phần đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hiện nay) cho xây dựng nhằm kiểm soát giao thương và bình định vùng miền núi phía tây của tỉnh Quảng Ngãi.

Đến năm 1750, khi được cử làm Tuần vũ Quảng Ngãi, Đại Am Nguyễn Cư Trinh cũng tiếp tục cho xây dựng một số đồn/bảo khác trên vùng đất này. Tuy nhiên, để có một Trường Lũy dài hàng trăm cây số, nối kết hàng trăm đồn/bảo lại với nhau, hình thành một hệ thống đồn - lũy liên hoàn, chạy từ huyện Hà Đông (Quảng Nam) đến phía bắc phủ Bồng Sơn (Bình Định) phải nhờ đến công sức của hàng nghìn binh lính và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đặc biệt là nhân dân các dân tộc Kinh, Hrê ở Quảng Ngãi cùng nhau xây dựng vào năm 1819 dưới sự chỉ huy của Tả quân Lê Văn Duyệt, người gốc làng Bồ Đề, nay thuộc xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức).

Theo các nhà nghiên cứu, Trường Lũy là một ranh giới nhưng không phải là một ranh giới đóng kín. Lũy cắt ngang qua nhiều sông, suối, mỗi chỗ cắt ngang có một cổng, do một bảo canh gác, cho phép điều hành việc đi lại giữa hai bên. Việc đi lại chủ yếu là vì mục đích trao đổi kinh tế (người Hrê mua muối, người Việt mua gạo, quế và lâm sản), nhất là mạng lưới chợ nằm bên phía người Việt. Các đồn/bảo này trong thời bình là các trạm kiểm soát việc buôn bán, thu thuế giữa hai miền, đây là nét văn hóa đặc biệt của di tích. Các nhà khảo cổ cho rằng đây không chỉ là công trình được xây nên với mục đích phòng vệ, mang yếu tố quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển.

Một đoạn của Trường Lũy.
Một đoạn của Trường Lũy.

Trường Lũy được xây dựng bằng vật liệu khai thác tại chỗ như đất đồi, đất ruộng, đá tự nhiên với nhiều kỹ thuật đắp, đầm đất, xây, xếp đá... rất đặc trưng của cư dân miền đồng bằng ven chân núi và miền núi phía tây Quảng Ngãi. Do lũy dài và đi qua nhiều địa hình khác nhau nên trên địa hình bằng phẳng, lũy được đắp bằng đất, còn ở sườn núi có độ dốc thì lũy được đắp cốt đất ở trong và ốp đá ở bên ngoài.

Với tính chất đặc biệt của Trường Lũy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo ngành văn hóa và UBND các huyện thuộc phạm vi di tích khẩn trương tổ chức lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Trường Lũy Quảng Ngãi.

Tiên Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.