Multimedia Đọc Báo in

Làng bích họa Cảnh Dương - sản phẩm du lịch mới lạ và độc đáo

08:29, 13/10/2019

Làng chài trù phú Cảnh Dương thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã có gần 390 năm tuổi (làng được lập từ năm 1634). Đây là một trong tám làng văn vật nổi tiếng của Quảng Bình xưa, làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp với khẩu hiệu “rào làng chiến đấu”, hai lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cảnh Dương còn là “làng cá voi” nổi tiếng với nghĩa địa dành riêng cho cá voi cùng Ngư linh miếu uy nghi thờ hai bộ xương cá voi khổng lồ dài 28 m ở sát bờ biển. Cảnh Dương phong cảnh hữu tình, với nhiều giai thoại cổ xưa. Cảnh Dương ngày nay còn là sự hòa quyện giữa yếu tố truyền thống với màu sắc hiện đại bằng những tác phẩm bích họa độc đáo và được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình chọn làm điểm đến hấp dẫn trong tỉnh.

Cung đường bích họa Cảnh Dương bắt đầu từ đình thờ Tổ ở trung tâm làng và chạy dọc suốt trục đường dân sinh ven biển bao gồm những bức tranh 3D sống động, đa dạng chủ đề. Để khoác lên màu áo mới bích họa cho làng chài Cảnh Dương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với UBND huyện Quảng Trạch khởi động Dự án vì biển đảo quê hương “Bích họa tương lai” từ tháng 1-2018. Nhóm 15 họa sĩ đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Bình... đã hoàn thành được 50 bức họa đa sắc màu và đầy tính sáng tạo.

Bức họa
Bức họa "Chợ cá lúc sáng sớm".

Những bức họa được vẽ trực tiếp lên tường nhà hay hàng rào. Với sự tỉ mỉ và kỳ công, các họa sĩ đã lột tả những câu chuyện về quá trình hình thành, phát triển, truyền thống văn vật từ buổi lập làng đến vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến của dân làng Cảnh Dương (như bức họa: Cảnh Dương – Pháo đài thép; Dân quân du kích giương súng sẵn sàng chiến đấu bên bờ tường rào làng quê...). Cùng với đó là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và cuộc sống trên bến dưới thuyền nhộn nhịp nơi làng chài (gồm các bức tranh: Chợ cá lúc sáng sớm; Đoàn tàu vững vàng giữa biển khơi; Ngư phủ bủa lưới buổi bình minh...); truyền thống văn hóa biển (Lễ hội đua thuyền trên sông Loan; Lễ hội cầu ngư...); những câu chuyện riêng biệt, đậm tính nhân văn về ân tình giữa người dân làng biển Cảnh Dương với những cảnh vật đầy sống động giữa biển khơi mà họ cả đời gắn bó (Bức họa về các loài cá, tôm, san hô, ốc, rong rêu và những câu chuyện cổ tích liên quan đến biển cả...). 

Lại có cả những bức tranh lưu lại kỷ niệm đáng nhớ của chính chủ nhân có bức tường được vẽ, đó là bức họa vẽ người phụ nữ đang giặt giũ bên giếng nước; một bà mẹ với gánh cá trĩu trịt dưới bến thuyền lên; một tiệm cắt tóc nho nhỏ được điểm xuyến bằng sắc màu tươi sáng của những bông hoa giấy hay một em bé đang đùa nghịch với chú cún đáng yêu... 

Những bức bích họa thực sự mang đến vẻ sinh động, trẻ trung và đáng yêu hơn cho Cảnh Dương. Những ngôi nhà cổ, những bức tường cổ làm bằng đá san hô còn nguyên màu rêu xanh cổ kính được mặc “áo mới” với những lớp màu bắt mắt. Những bức tranh được phân bổ với tỷ lệ hợp lý, hài hòa với cả ngôi làng và từng vách tường. Những ngôi nhà nhỏ nhắn nằm liền kề nhau, những con đường nho nhỏ dẫn ra biển với nhiều bức vách, bờ tường cao thấp bỗng trở nên quyến rũ lạ thường, không còn tông màu thâm trầm cũ kỹ, bạc phết vì thời gian, nắng gió.

Du khách  chụp hình với bức họa vẽ trên tường  ở làng  Cảnh Dương.
Du khách chụp hình với bức họa vẽ trên tường ở làng Cảnh Dương.

Ngoài những bức bích họa độc đáo, đến Cảnh Dương dịp Tết cổ truyền, du khách sẽ được tham gia những hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật truyền thống và đặc sắc. Đó là tục truyền lửa vào thời khắc giao thừa được tổ chức tại đình thờ Tổ; lễ hội Cầu Ngư vào rằm tháng Giêng; trò chơi cờ người. Đặc biệt, điệu ca hò hẻ, điệu hát diễn tả nỗi niềm ngư phủ một đời “ăn sóng nói gió” của đàn ông Cảnh Dương đã trở thành nét văn hóa độc đáo của ngôi làng cổ bên bờ Biển Đông này. Bên cạnh đó du khách còn được thưởng thức những món hải sản tươi ngon như tôm, cá, mực, ốc…; trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân làng chài với những nghề truyền thống như đan lưới, làm nước mắm, chế biến hải sản khô…

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Bình đang phối hợp với xã Cảnh Dương và các đơn vị liên quan triển khai dự án xây dựng không gian trưng bày hai bộ xương cá voi được dân làng thờ tự hơn 200 năm nay ở Ngư linh miếu. Đây là một trong những bộ xương cá voi lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.