Multimedia Đọc Báo in

Thăm di tích trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ

08:18, 05/10/2019

Di tích quốc gia trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ trong thời kháng chiến chống Pháp (giai đoạn 1946 - 1949) nằm ở tả ngạn sông Phước Giang, thuộc thôn Phú Bình (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành), cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 8 km về phía tây bắc.

Di tích gồm hai địa điểm: Nhà ông Nguyễn Tương nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng ở và làm việc; nhà ông Ngô Đồng, trụ sở của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ và là nơi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng. Khi làm việc tại đây, cụ Huỳnh là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam; còn đồng chí Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, huyện Nghĩa Hành có một vị trí chiến lược quan trọng. Đây là vùng trung du ở gần đồng bằng phía đông, vừa thuận lợi trong việc liên lạc với các huyện miền núi phía tây và Tây Nguyên thông qua ngả Ba Tơ, vừa dễ dàng huy động sức người, sức của từ các huyện Mộ Đức, Đức Phổ; lại có thể tránh được mũi tiến công trực diện của Pháp từ hướng biển, khống chế được hành lang chiến lược từ đồng bằng nam Quảng Nam và bắc Bình Định lên Tây Nguyên. Đây còn là địa phương giàu truyền thống yêu nước, cách mạng.

Cổng vào khu di tích.
Cổng vào khu di tích.

Do đó, tháng 11-1946, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử vào đây để làm đại diện cho Trung ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ với nhiệm vụ cụ thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho là: “Phải quan tâm trước hết việc xây dựng Đảng bộ đi đôi với xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh; động viên, tổ chức, lãnh đạo quần chúng; tăng cường đoàn kết nhân dân, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng; đồng thời kiên trì chiến đấu và quyết tâm thắng kẻ địch ngay trên các mặt trận Nam Trung Bộ”.

Cuối năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng đi kinh lý các tỉnh miền Trung và lưu lại tại Quảng Ngãi trong thời gian dài để truyền đạt đường lối kháng chiến cứu nước của Chính phủ cùng những lời căn dặn của Hồ Chủ tịch; động viên đồng bào, chiến sĩ quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược. Chợ Chùa, Nghĩa Hành là nơi sống và làm việc trong những ngày cuối đời của cụ, một chí sĩ trọn đời hết lòng với dân với nước. Cụ mất ở Quảng Ngãi và được an táng tại đây.

Trong giai đoạn 1946-1949, tại nơi đây Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng như in và phát hành bạc tín phiếu kịp thời, góp phần đẩy mạnh sản xuất, lưu thông hàng hóa; tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã lần thứ hai; củng cố chính quyền các cấp, xây dựng các đoàn thể vững mạnh; phát động phong trào thi đua yêu nước sôi nổi… Cũng chính nơi đây, đồng chí Phạm Văn Đồng đã triệu tập, chủ trì nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị cán bộ quân dân chính, Hội nghị quân sự Nam Trung Bộ, Hội nghị chính trị viên toàn quân khu lần thứ nhất… Hoạt động của Trụ sở Ủy ban Kháng chiến đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cách mạng của Nam Trung Bộ thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.

Ngôi nhà nơi  đồng chí Phạm Văn Đồng  ở và  làm việc.
Ngôi nhà nơi đồng chí Phạm Văn Đồng ở và làm việc.

Đầu năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp trong cả nước bước sang một giai đoạn mới. Đồng chí Phạm Văn Đồng được điều trở về Trung ương. Cơ quan đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ tại Chợ Chùa giải thể. Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ được dời vào Hoài Ân (tỉnh Bình Định).

Nơi ở và làm việc của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Phạm Văn Đồng cùng trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ đã trở thành một di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Quảng Ngãi nói riêng, Nam Trung Bộ nói chung thời kỳ đầu kháng Pháp; là niềm tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng hào hùng của nhân dân Quảng Ngãi. Trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại Quảng Ngãi đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.

Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.