Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng Ngày hội Văn hóa dân gian Ea Tul

09:07, 14/03/2019

Tiếng cồng chiêng, tiếng đing năm hòa cùng tiếng hát, điệu múa thướt tha, uyển chuyển của các cô gái, chàng trai; những tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ nhiệt tình trong các cuộc thi ném còn, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, giã gạo… đã tạo không khí sôi động, đầy hào hứng cho Ngày hội Văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) lần thứ 2 vừa diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê lần thứ 7 năm 2019.

Từ sáng sớm, người dân ở 12 buôn trên địa bàn xã Ea Tul đã mang theo chiêng trống, đing năm và cả những vật dụng thường ngày như chày cối, bếp kiềng, thực phẩm… đến Nhà văn hóa xã để tham gia biểu diễn, tranh tài. Ngày hội diễn ra trong không khí sôi động, náo nhiệt với nhiều nội dung hấp dẫn như: biểu diễn văn nghệ, thi trình diễn trang phục truyền thống, tạc tượng gỗ dân gian, dệt thổ cẩm, thi đan gùi, kéo co, đi cà kheo, thi giã gạo nhanh, ẩm thực truyền thống… Các chị, các em xúng xính trong bộ váy áo truyền thống nhịp nhàng, luyến láy trong từng điệu múa, lời ca; tiếng chiêng, trống, đing năm khi dập dồn, lúc khoan nhặt như đưa người xem đến thế giới huyền sử của những chàng Dam San, Xinh Nhã và các nàng H’Bih, H’Nhi...

Biểu diễn dân ca, dân vũ tại Ngày hội.
Biểu diễn dân ca, dân vũ tại Ngày hội.

Tiếng reo hò, cổ vũ rộ lên từng hồi khi các đội thi kéo co, đi cà kheo, giã gạo… tranh tài. Còn tại khu vực thi dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ dân gian, đan gùi không khí trầm lắng hơn, nhưng lại nhận được sự quan tâm, thích thú trải nghiệm của các du khách. Đặc biệt, ở nội dung thi ẩm thực truyền thống, nhiều món ăn đặc sắc của người Êđê đã được chế biến, phục vụ người xem như: cơm lam, gà nướng, món vếch, canh bột lá yao, canh cà đắng, lá mì xào, canh chua kiến vàng… Em H’Ơn Ayun (buôn Hra A) tham gia trình diễn trang phục truyền thống hào hứng nói: “Em rất vui khi được tham gia ngày hội, mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày làm việc mệt nhọc”. Còn với chị H’No Ayun (buôn Sah B) – nghệ nhân tham gia thi dệt thổ cẩm, ngày hội là dịp để mọi người cùng trổ tài khéo léo, chia sẻ những kinh nghiệm và hiểu thêm về những giá trị văn hóa đặc sắc của ông bà truyền lại. “Hiện nay, những hoạt động như: đánh cồng chiêng, dân ca, dân vũ, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ… không còn phổ biến nữa, thì những dịp như thế này thực sự có ý nghĩa để thế hệ sau thêm hiểu biết, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình…”, chị H’No cho hay.

Các nghệ nhân thi tạc tượng gỗ dân gian tại Ngày hội Văn hóa.
Các nghệ nhân thi tạc tượng gỗ dân gian tại Ngày hội Văn hóa.
 

“Hiện nay, thế hệ trẻ yêu chuộng công nghệ hơn nghệ thuật dân gian, các giá trị văn hóa về cồng chiêng, dân ca, dân vũ, chế tác, đan lát đang dần bị mai một. Việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống lần này có ý nghĩa thiết thực, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, giới thiệu, quảng bá, thu hút du khách tìm đến...”.

 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing

Hòa mình vào các hoạt động của Ngày hội Văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê ở xã Ea Tul, anh Trần Bình An, du khách đến từ tỉnh Đồng Nai thích thú cho biết: “Tôi đã tham gia nhiều ngày hội văn hóa dân gian ở các vùng trong cả nước, nhưng lần đầu tiên đến Ea Tul, huyện Cư M’gar tham dự ngày hội của người Êđê quả thực rất thú vị, có rất đông người dân tham gia – không phải nơi nào cũng huy động được cả cộng đồng như vậy. Người dân ở đây rất hồn hậu, mến khách, nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi cần hỗ trợ. Với những nét văn hóa độc đáo cùng nét đẹp của thiên nhiên, lòng người, tôi tin rằng đây sẽ là điểm đến nhiều hứa hẹn cho những ai yêu thích khám phá về văn hóa, vùng đất và con người…”.

Ngày hội Văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống dân tộc Êđê xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đã phần nào phản ánh sự quan tâm sâu sát cũng như những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cấp ủy, chính quyền địa phương; và quan trọng hơn, tự trong nhận thức của mình, bà con rất trân quý giá trị văn hóa của ông bà để lại. Ngày hội góp phần đưa các giá trị văn hóa truyền thống vào cuộc sống thường nhật, để âm vang tiếng cồng chiêng, lời hát kể khan, điệu múa dân gian, câu hát ay ray làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.