Ðô thị siết chặt phòng thủ trước dịch bệnh COVID-19
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện 26 tỉnh thành đã có người nhiễm. Cả nước đang vào giai đoạn căng thẳng với cuộc chiến chống lại dịch bệnh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các đô thị như TP. Buôn Ma Thuột cần thực hiện siết chặt phòng thủ nhằm đối phó hiệu quả trước dịch bệnh.
Ai cũng biết, tâm điểm các nơi dịch bùng phát, hầu hết rơi vào các đô thị lớn, khu vực tập trung đông người, có nhiều đầu mối giao thông tiếp xúc. Lãnh đạo một thành phố lớn đã nói, khi cần, phải phong tỏa, hạn chế giao lưu ra xung quanh để người dân trong vùng đô thị an toàn; mà người dân đô thị an toàn, những miền quê xung quanh mới bảo đảm bình an.
Tạo những rào cản phòng thủ
Đối với giới chuyên môn y tế, các điểm nóng đô thị luôn là cơ sở trọng yếu trong phòng, chống dịch bệnh. Trước hết là các bệnh viện, trung tâm y tế của các đô thị lớn, một khi có dịch bệnh xuất hiện, sẽ bị phá vỡ từ cơ sở phòng chống, rất khó kiểm soát nguy cơ. Sau đó, đến các khu dân cư, tụ điểm đông người như trường học, bệnh viện, nhà máy… thuộc các đô thị bởi khả năng lây lan trong cộng đồng gia tăng rất nhanh.
Những nguy cơ này, so với các khu vực dân cư nông thôn, các làng buôn, rõ ràng cao hơn nhiều. Đó là chưa nói đến điều kiện môi trường, sinh hoạt tự nhiên trong khu dân cư đô thị rất thuận tiện cho các ổ dịch bùng phát, hơn là các khu vực nông nghiệp nông thôn.
Do đó, khi dịch bệnh tái xuất hiện, gần như các đô thị lớn lập tức "bấm nút" cảnh giác, nhanh chóng đưa ra những tiêu chí hành động tức thời. Đơn cử tại Đà Nẵng, sau ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hơn tuần trước, toàn thành phố đã được yêu cầu nghiêm túc chấp hành quy định 5K, hạn chế đi lại trong đô thị. Ca nhiễm thứ hai xuất hiện, Đà Nẵng dừng ngay các dịch vụ không thiết yếu, tăng cường giám sát xã hội trong người dân. Đến ca bệnh thứ ba, toàn thành phố lập tức giãn cách, các chợ áp dụng phát phiếu đi chợ để giảm lượng người tập trung cùng lúc, các trường học đều chuyển sang học trực tuyến và các phương tiện đi lại liên tỉnh thành phải dừng lại.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng không chậm trễ, khi thông tin về hiện tượng lây nhiễm dịch bệnh vừa có ở hai đầu đất nước, xuất hiện ở Đà Nẵng, chính quyền địa phương lập tức ban hành công văn đề nghị mọi người dân hạn chế di chuyển từ thành phố này về. Khu vực tỉnh lỵ Tam Kỳ được ráo riết giám sát phòng vệ, giảm thiểu mọi điều kiện tiếp xúc ra ngoài, thắt chặt an toàn y tế các khu dân cư.
Khử khuẩn môi trường tại Trường Mầm non Hoa Lan (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) do có liên quan đến 2 ca bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Hoàng |
Chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng lập tức chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ đầu khá hiệu quả. Công tác xác định truy vết và tổ chức cách ly ngay các trường hợp nghi lây nhiễm đầu tiên đã giúp trấn an tinh thần người dân, tránh gây hoang mang lo lắng. Tiếp đó, các cơ quan chức năng căn cứ diễn biến thực tế để có những quyết định sát sườn nhất.
Cản dịch chưa đến, tốt hơn dập dịch địa bàn!
Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, chủ động cản dịch chưa đến sẽ tốt hơn phải tổ chức khoanh vùng, xử lý dập dịch tại địa bàn. Đây là tinh thần chính mà thành phố này thể hiện trong hơn một tuần qua, giúp địa phương giảm thiểu được mọi nguy cơ lây nhiễm rộng ở cộng đồng. Tính đến ngày 10-5-2021, Đà Nẵng có hơn 40 ca nhiễm bệnh thì tất cả đều đã được cách ly y tế, còn toàn bộ thành phố đã ở trong tình trạng an toàn phòng ngừa với các “điểm nóng” được khoanh vùng chặt chẽ và ý thức người dân tự giác tuân thủ các điều kiện 5K, giãn cách toàn diện.
Riêng với Thừa Thiên - Huế, công tác phòng ngừa dịch bệnh đã được địa phương nhất quán sử dụng đến “hai hàng rào phòng thủ từ xa”: Thứ nhất, địa phương lập các chốt kiểm tra, soát xét các xe chở khách, xe hàng hóa đi vào nội thành, đo thân nhiệt, buộc đeo khẩu trang, sát khuẩn với mọi người trên xe. Các xe đi qua địa phận không vào sâu thành phố, sẽ được tạo điều kiện đi ngay, không phải khai báo nhiều lần ở nhiều vị trí. Thứ hai, bên cạnh yêu cầu tờ khai y tế chung ở địa chỉ http://tokhaiyte.vn, địa phương lập thêm phần mềm Hue-S buộc mọi cá nhân đi vào địa phận tỉnh phải khai báo thông tin cụ thể hơn. Phần mềm này sử dụng mã QR để tiện cho người dân lưu giữ, trình lại với các chốt kiểm soát, nên rất tiện dùng.
Theo địa phương, chính nhờ “hai hàng rào phòng thủ này”, tại đợt dịch thứ hai, khi các địa phương xung quanh có ca nhiễm bệnh, Thừa Thiên - Huế vẫn cơ bản khống chế được nguy cơ, an toàn qua mùa dịch. Lần dịch bệnh bùng phát này, tỉnh lại tiếp tục kích hoạt yêu cầu phòng thủ từ xa, giới hạn tối đa mọi nguy cơ tiếp xúc lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Tuần trước, khi Đà Nẵng công bố ca dương tính đầu tiên phát hiện trong đợt dịch bệnh này, người viết đã nhắn tin hỏi một lãnh đạo địa phương, liệu giờ người dân Đà Nẵng đã sẵn sàng giãn cách toàn diện chưa? Vị lãnh đạo lập tức trả lời: đã sẵn sàng. Hôm qua, cũng câu hỏi đó, một lãnh đạo Thừa Thiên - Huế không ngần ngại đáp: tâm lý người dân đã ổn cả.
Vậy hôm nay, chúng ta có thể đặt câu hỏi này, với chính người dân Buôn Ma Thuột?
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc