Ảnh hưởng của các biến thể vi rút SARS-CoV-2 lên vắc xin
Tất cả các loại vi rút bao gồm vi rút SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19, đều tiến triển và gia tăng theo thời gian. Khi xâm nhập vào tế bào cơ thể, vi rút tự tạo ra các bản sao của chính nó để tiếp tục nhân lên và tấn công các tế bào khác.
Tuy nhiên, sẽ có những bản sao của vi rút thay đổi một chút, điều này giúp vi rút thích nghi để tự bảo vệ nó. Những thay đổi này được gọi là "đột biến". Vi rút có một hoặc nhiều đột biến mới được gọi là "biến thể" của vi rút ban đầu.
Khi một loại vi rút lưu hành rộng rãi trong cộng đồng và gây ra nhiều trường hợp nhiễm bệnh, thì khả năng vi rút đột biến sẽ tăng lên. Vi rút càng có nhiều cơ hội lây lan, thì nó càng sao chép và càng sao chép thì nó càng có nhiều cơ hội để tạo ra những biến đổi. Tùy thuộc vào vị trí của những biến đổi trong vật liệu di truyền của vi rút, chúng có thể ảnh hưởng đến các đặc tính của vi rút như khả năng lây truyền, mức độ nặng của bệnh. Hầu hết các đột biến của vi rút không hoặc ít ảnh hưởng đến khả năng gây bệnh của chúng. Tuy nhiên, một số ít sẽ làm gia tăng mức độ lây truyền và độ nặng của bệnh.
Vi rút gây bệnh COVID-19 cũng không ngoại lệ và đã có nhiều biến thể từ vi rút ban đầu như biến thể Anh, biến thể Nam Phi, biến thể Brazil, biến thể California, biến thể New York,… Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đổi tên nhiều biến thể SARS-CoV-2 khác nhau đang lưu hành trên khắp thế giới cho dễ hiểu hơn. Theo đó, bốn biến thể đáng quan tâm nhất hiện nay được lấy từ bốn chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trước đây chúng được gọi là biến thể Anh, biến thể Nam Phi, biến thể Brazil và biến thể Ấn Độ.
Nguồn: Internet |
Biến thể Delta (B.1.617.2) hay biến thể Ấn Độ là biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020. Đây cũng là biến thể được quan tâm nhất trong thời gian gần đây bởi nó đã cho thấy: (1) tăng khả năng lây truyền hoặc thay đổi bất lợi trong dịch tễ học; (2) tăng độc lực hoặc thay đổi biểu hiện bệnh; (3) giảm hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát; (4) cuối cùng là rất dễ lây lan. Các nhà chức trách Vương quốc Anh ước tính biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn 40% so với một biến thể trước đó đã khiến nước Anh bị phong tỏa vào đầu năm nay.
Các vắc xin ngừa COVID-19 hiện đã cung cấp một số bảo vệ chống lại các biến thể mới của vi rút vì những vắc xin này tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng rãi liên quan đến một loạt các kháng thể và tế bào. Do đó, những thay đổi hoặc đột biến của vi rút sẽ không làm vắc xin hoàn toàn mất tác dụng. Tuy nhiên, nếu loại vắc xin nào được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với một hoặc nhiều biến thể vi rút, thì cần phải thay đổi thành phần của vắc xin để giúp gia tăng tác dụng bảo vệ, chống lại các biến thể này.
Dữ liệu về các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 đang tiếp tục được thu thập và phân tích. WHO cũng đang làm việc với các nhà nghiên cứu, quan chức y tế và nhà khoa học để hiểu rõ hơn cách các biến thể này tác động đến hoạt động của vi rút, bao gồm cả tác động của chúng đến hiệu quả của vắc xin. Các nhà sản xuất và các chương trình sử dụng vắc xin có thể phải điều chỉnh để phù hợp với sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 như bào chế vắc xin phòng ngừa được nhiều hơn một chủng, cần tiêm nhắc lại và thay đổi vắc xin khác nếu cần thiết.
Mở rộng quy mô và sản xuất vắc xin càng nhanh càng tốt cũng sẽ là cách quan trọng để bảo vệ con người trước khi họ tiếp xúc với vi rút và nguy cơ xuất hiện các biến thể mới. Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho các nhóm nguy cơ cao ở mọi nơi để tối đa hóa khả năng bảo vệ chống lại các biến thể mới và giảm thiểu nguy cơ lây truyền. Hơn nữa, bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với vắc xin ngừa COVID-19 là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết để giải quyết đại dịch đang lây lan. Khi nhiều người được chủng ngừa hơn, sự lưu thông của vi rút sẽ giảm, do đó chúng sẽ có ít cơ hội gây đột biến hơn.
Trong khi số lượng vắc xin còn thiếu, chúng ta cần làm mọi cách có thể để ngăn chặn sự lây lan của vi rút nhằm ngăn chặn các đột biến có thể làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin hiện có như tuân thủ biện pháp 5K.
Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu trên thế giới cũng đã và đang tiến hành giải trình tự bộ gen của vi rút SARS-CoV-2 và chia sẻ các trình tự này trên cơ sở dữ liệu công khai. WHO cũng khuyến cáo tất cả các quốc gia tăng cường xác định trình tự gen của vi rút SARS-CoV-2 nếu có thể và chia sẻ dữ liệu để giúp nhau giám sát và ứng phó với đại dịch.
Tóm lại, vắc xin là một công cụ rất quan trọng trong “cuộc chiến” chống lại dịch bệnh COVID-19. Chúng ta không nên dừng tiêm chủng vì lo ngại về các biến thể mới, ngược lại nên tiến hành tiêm chủng ngay cả khi vắc xin có thể kém hiệu quả hơn đối với một số biến thể của vi rút SARS-CoV-2. Cần sử dụng các công cụ có trong tay ngay cả khi chúng ta tiếp tục cải tiến các công cụ đó. Hãy nhớ rằng: tất cả chúng ta chỉ an toàn nếu mọi người đều an toàn.
PGS.TS.BS.Bùi Quốc Thắng