Multimedia Đọc Báo in

Hiểu thế nào cho đúng tư tưởng Hồ Chí Minh?

06:30, 17/05/2020

Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991), Đảng ta khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Từ Đại hội VII đến nay, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng bổ sung thêm tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, “bởi tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của nước ta và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của cả dân tộc” (Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 51, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, Tr.34).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), Đảng ta đưa ra khái niệm “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân…” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, Tr.83, 84).

Các đại biểu tham dự một cuộc hội thảo  khoa học  về tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh:  Nguyễn Xuân
Các đại biểu tham dự một cuộc hội thảo khoa học về tư tưởng Hồ Chí Minh được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Xuân

Đến Đại hội XI (2011), Đảng khái quát, bổ sung và khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2011, Tr.88).

Như vậy, khi nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh là đề cập những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, như: con đường, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng, cũng như lực lượng và phương pháp cách mạng. Theo cách tiếp cận này, thì không phải tất cả những bài viết, bài phát biểu, buổi nói chuyện của Bác đề cập đến mọi vấn đề cuộc sống đều là tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc này dễ dẫn tới nhận thức: quy mọi điều Bác nói, viết đều là tư tưởng Hồ Chí Minh. Do đó, có thể vô tình thu nhỏ chứ không phải đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá hòng làm suy yếu, tiến tới làm tan rã nền tảng tư tưởng của Đảng thì việc hiểu đúng tư tưởng Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trên có sở nhận thức đúng thì mới tạo ra sự thống nhất về ý chí và hành động. Đồng thời, tránh được những suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến hiểu chưa đầy đủ, thậm chí hiểu sai tư tưởng của Người.

Như vậy, hiểu thế nào cho đúng về tư tưởng Hồ Chí Minh?

Tác giả bài viết cho rằng: Để hiểu đúng tư tưởng của Người, trước hết cần phải hiểu nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, đây là yếu tố quyết định đến việc hình thành tư tưởng cũng như nội dung tư tưởng. Trong đó, trước tiên phải hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đương thời khi Bác còn sống.

Thứ hai, phải nắm chắc vấn đề có tính chất phương pháp luận khi tìm hiểu và nghiên cứu. Đó là tư tưởng của Người là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Điều này khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh là những quan điểm bao quát, chủ yếu và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; vì thế hết sức cô đọng, chặt chẽ, mang tính lý luận cao và có vai trò định hướng phát triển lâu dài của cách mạng Việt Nam, như Đảng khẳng định “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.

Thứ ba, tư tưởng suy đến cùng bao giờ cũng là sự phản ánh, đúc kết từ thực tiễn trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng thực tiễn luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng. Trong quá trình vận động đó, không phải lúc nào tư tưởng cũng theo kịp và phản ánh kịp. Chỉ có những tư tưởng được khái quát thành quy luật, tính quy luật, mang tính khoa học và được thực tiễn kiểm nghiệm mới có thể chỉ đạo thực tiễn và như vậy mới có giá trị. Do vậy không phải tất cả những nội dung Bác nói hay viết đều gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh mà phải là những nội dung khoa học mang tầm khái quát về lý luận, về những vấn đề liên quan đến vận mệnh dân tộc, đất nước và của Đảng mới thể hiện đầy đủ tư tưởng của Người và trở thành tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta.

TS Lương Hữu Nam

(Trường Chính trị tỉnh Ðắk Lắk)


Ý kiến bạn đọc