Người đảng viên ở đâu cũng phải gương mẫu
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ đảng viên nói riêng, bởi đội ngũ này là một nhân tố quyết định sự thành bại của chế độ, cách mạng.
Đối với cán bộ, Người đòi hỏi phải vừa có đức vừa có tài, vì “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Còn đối với đảng viên, bên cạnh đức và tài thì một trong những yêu cầu đặt ra hàng đầu là phải biết đi đầu, gương mẫu.
Ngày 25-3-1951, trong tác phẩm “Người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam phải thế nào?” viết cho Báo Nhân Dân số 2, Người khẳng định đảng viên phải là người yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất; kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động; chí công vô tư, gương mẫu. Ai không như thế thì không xứng đáng là đảng viên.
Người yêu cầu mọi đảng viên cần phải gương mẫu, bất luận công tác, địa vị như thế nào. Người viết: “Người đảng viên – dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”. Lý giải vì sao, Người viết tiếp: “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Mà muốn quần chúng nghe theo lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, Tr.55).
Các đảng viên xuất sắc tiêu biểu năm 2019 được nhận Bằng khen của Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Gia |
Không chỉ nói, viết mà trong tất cả các hoạt động của mình, Người luôn là tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân noi theo. Gương sáng của Người đã quy tụ được nhiều cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân theo Đảng, sẵn sàng hy sinh tính mạng, của cải vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mà không một phút đắn đo, suy tính thiệt hơn.
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Người, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị về việc học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và đã được triển khai sâu rộng, tổ chức thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành, cơ quan, đơn vị. Và cũng chính trong quá trình này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, đảng viên gương mẫu đi đầu trong học tập và làm theo Bác.
Không chỉ ban hành chỉ thị về học tập và làm theo Bác, Đảng còn ban hành các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên như Quy định 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; Quy định 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường trách nhiệm nêu gương; Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Thực hiện các quy định của Đảng, nhiều tổ chức đảng và đảng viên ngày càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn vai trò của nêu gương đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Từ đó chuyển biến thành những hành động, việc làm cụ thể, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Bên cạnh nhiều đảng viên đã thực hiện tốt việc nêu gương thì vẫn còn một bộ phận đảng viên chưa thực sự nêu gương, thậm chí làm vẩn đục tư cách người đảng viên, mang danh đảng viên nhưng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, không còn được dân tin, dân phục, dân yêu. Điều này đã được chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, đó là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức mới chỉ bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi”; “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”.
Trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp, để xứng đáng là đảng viên của Đảng, mỗi đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và đất nước, từ đó không ngừng tu dưỡng, tôi luyện, nêu cao phẩm chất, đạo đức trong sáng; tránh xa cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường để xứng đáng là người lãnh đạo, “đầy tớ” thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ từng chỉ dạy.
TS Lương Hữu Nam
(Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk)
Ý kiến bạn đọc