Multimedia Đọc Báo in

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đánh giá và sử dụng cán bộ hiện nay

10:22, 15/05/2020

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cán bộ và công tác cán bộ. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Người không ngừng chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện nhằm xây dựng cho Đảng ta một đội ngũ cán bộ vững mạnh có đủ đức, đủ tài để phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Cán bộ có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Hồ Chí Minh chỉ rõ cán bộ “là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Từ đó, Người yêu cầu ''phải hiểu rõ cán bộ, đánh giá đúng cán bộ” để có kế hoạch bồi dưỡng, huấn luyện, sử dụng cán bộ phù hợp. Hiểu và đánh giá đúng cán bộ là khâu quan trọng và cần phải được tiến hành thường xuyên trong công tác cán bộ.

Nếu như cán bộ là “gốc của mọi công việc” thì công tác cán bộ là “công việc gốc” của Đảng. Các cấp ủy đảng, người lãnh đạo, người được giao trọng trách muốn đánh giá cán bộ đúng trước tiên phải “tự biết mình”, nếu không biết sự phải trái ở mình thì chắc chắn không thể nhận rõ sự phải trái của người khác. Muốn đánh giá đúng cán bộ, người cán bộ lãnh đạo phải biết tự sửa mình trước để hoàn thiện mình và khi người lãnh đạo càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng đắn.

Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội (ảnh chụp lại từ bộ ảnh của nhà báo Mai Nam)
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội (ảnh chụp lại từ bộ ảnh của nhà báo Mai Nam)

Vấn đề sử dụng cán bộ, theo Người phải “khéo dùng” cán bộ, dùng đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường. Sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải “có gan” cất nhắc cán bộ và thường xuyên luân chuyển cán bộ, chống bệnh ích kỷ, địa phương, kéo bè, chia rẽ phái này phái kia, phải kết thành một khối không phân biệt, không kèn cựa và giúp đỡ nhau thì công việc mới chạy.

Từ khi được thành lập, nhất là khi thực hiện đường lối đổi mới (1986) đến nay, Đảng ta luôn coi cán bộ và công tác cán bộ là nội dung quan trọng nhất phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đề ra những định hướng lớn trong đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng, chống tệ quan liêu, cửa quyền trong công tác lựa chọn, bố trí sử dụng cán bộ.

Bác Hồ gặp mặt đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh tư liệu
Bác Hồ gặp mặt đại biểu giáo viên toàn miền Bắc năm 1958. Ảnh tư liệu

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế… về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4-8-2017, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”; Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, làm cơ sở để các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa tiêu chí đánh giá đối với cán bộ; Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 về “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19-12-2017, về “Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những khuyết điểm khi sử dụng cán bộ và coi đó là những căn bệnh cần phải chữa đó là: “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình”.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác cán bộ, thời gian qua cũng có không ít tổ chức đảng các cấp thực hiện chưa tốt công tác cán bộ nói chung, đánh giá và sử dụng cán bộ nói riêng. Đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, ở nhiều nơi chưa lấy hiệu quả làm thước đo, còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ, thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng. Quy trình, phương pháp đánh giá, quy hoạch, bố trí sử dụng, luân chuyển chưa thật khoa học, dân chủ, công khai. Trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ còn có không ít hiện tượng “tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích”… Những hạn chế, khuyết điểm trên cần phải được sửa chữa, khắc phục, trước hết cần nâng cao nhận thức, quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc những nghị quyết, quy định… của Đảng về công tác cán bộ.

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh lãnh đạo, quản lý được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan. Qua đó đã lựa chọn được những cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ và triển vọng phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh, đồng thời tạo môi trường để cán bộ nghiên cứu, rèn luyện, nâng cao trình độ; đưa ra các đề án, giải pháp hay để phát triển ngành, lĩnh vực. Cụ thể: Đầu năm 2020, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở; tổ chức tuyển chức danh bí thư cấp huyện (Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn và Huyện ủy Lắk). Có thể nói đây là một bước đột phá trong nhận thức và cách làm trong khâu tuyển chọn cán bộ lãnh đạo nhằm lựa chọn được người đủ đức, đủ tài, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà.

An Biên - Văn Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.