Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp bền vững

10:06, 26/08/2020
 
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (sau đây gọi là Dự thảo), các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được xác định nhằm đạt các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu. 

(1) Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; (2) Xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường; (3) Giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác nội chính, tư pháp, đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; (4) Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tập trung xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và hệ thống chính trị; (5) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố vững chắc mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đoàn viên, thanh niên trồng hoa ven đường nội thôn 5 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). Ảnh: C.Xin
Đoàn viên, thanh niên trồng hoa ven đường nội thôn 5 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn). Ảnh: C.Xin

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp này đã được xác định theo hướng gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo, tôi xin trao đổi thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, về mục tiêu tổng quát đến năm 2025 (trang 27), tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung liên quan việc “tích cực phòng, chống, giảm nhẹ ảnh hưởng của dịch bệnh” sau ý “tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” để phù hợp với việc Dự thảo đã dự báo tình hình trong những năm tới đây rằng, “biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... tiếp tục diễn biến phức tạp” (trang 26). Đồng thời, ở trang 35, trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường, đề nghị bổ sung ý “giảm nhẹ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với tính mạng, sức khỏe người dân và nền kinh tế - xã hội của tỉnh” ngay sau ý “phát triển hệ thống y tế dự phòng, chủ động phòng bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn” để phù hợp với thực tiễn, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh hiện nay và trong những năm tới đây.
 
Thứ hai, tại đoạn 3 của trang 35, Dự thảo có xác định nhiệm vụ “Thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội”. Tôi đồng ý rằng, đây là những nhiệm vụ quan trọng nhằm đạt được những chỉ tiêu liên quan giáo dục, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, liên quan công tác bảo vệ trẻ em, cùng với các số liệu liên quan tai nạn ở trẻ em, tôi chú ý tới số liệu từ năm 2015 đến cuối năm 2019 cho hay, toàn tỉnh có 268 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 183 em bị xâm hại tình dục, 47 em bị bạo hành, 38 em bị các hành vi xâm hại khác. Các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đa dạng, trong đó có những đối tượng là người quen biết, hàng xóm, không ít trường hợp là người thân trong gia đình. Vì vậy, tôi đề nghị tách nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em thành một nhiệm vụ riêng biệt, chẳng hạn “Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, kiểm soát tình hình tai nạn, bạo lực, lạm dụng, xâm hại trẻ em”.
 
Thứ ba, ở đoạn cuối của nhiệm vụ thứ hai (trang 36), liên quan vấn đề bảo vệ môi trường, tôi đồng ý với nhiệm vụ mà Dự thảo xác định: “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải khí nhà kính”. Tuy vậy, ở tỉnh ta hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn trong tỉnh ngày càng nghiêm trọng với lượng rác thải, chất thải sản xuất tích tụ nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Tôi đề nghị bổ sung nhiệm vụ “giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường nông thôn nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững” ngay sau nhiệm vụ vừa nêu ở trên.
TS.  Trương Thị Hiền
Giảng viên chính Trường Đại học Tây Nguyên
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.