Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông thôn
09:21, 15/08/2020
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.030,5 km2, rộng thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; dân số (theo thống kê đến ngày 30-9-2019) có 1.919.200 người, trong đó có trên 1,4 triệu người sống ở nông thôn, chiếm tỷ lệ 75,3%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1.149.381 người, tỷ lệ 61,32% so với dân số, trong đó lao động nông thôn có khoảng 882.955 người (thống kê năm 2016).
Lực lượng lao động dồi dào, diện tích các loại cây công nghiệp (cà phê, cao su, ca cao…) lớn song kinh tế của tỉnh vẫn phát triển chậm, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,1 triệu đồng; song thu nhập bình quân đầu người ở một số huyện nghèo chỉ đạt bằng 60% mức bình quân chung của tỉnh, đối với một số xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng thì con số này chỉ từ 20 - 21 triệu đồng/người/năm. Theo tiêu chí tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, qua điều tra Đắk Lắk vẫn còn 66.956 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 15,37%), 42.704 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,8%).
Vừa qua, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 175/KH-TU về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội môi trường, quốc phòng – an ninh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Internet băng thông rộng phủ 100% xã, phường, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân 7%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%, cơ bản hoàn thành các hạng mục, đề án, dự án về đô thị văn minh, chính quyền điện tử...
Công nhân của Công ty TNHH MTV MINUDO-Care phơi khô cà phê đặc sản. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Để đáp ứng yêu cầu mục tiêu mà Kế hoạch đã đề ra, trước hết cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, đến nay toàn tỉnh mới có khoảng 25% dân số tốt nghiệp THPT, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm trên 50%, nhưng lao động có trình độ chuyên môn cao mới tương đương 15%, tập trung phần lớn ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ ở khu vực thành phố, thị xã.
Lực lượng lao động ở nông thôn hiện nay chiếm gần 77% tổng số lao động của tỉnh nhưng phần lớn chưa được đào tạo một cách có hệ thống; trong sản xuất vẫn chưa thoát khỏi cung cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, chưa quen tác phong lao động công nghiệp.
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện vẫn chủ yếu tập trung vào những công việc họ đã và đang làm thường ngày; việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, tổ chức kinh tế hợp tác chậm phát triển nên hiệu suất lao động chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng ngành kinh tế mũi nhọn…
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp mang tính đột phá nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông thôn. Cụ thể, Đắk Lắk cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học phổ thông cho lao động nông thôn, trong đó tập trung độ tuổi từ 18 - 35 và thanh niên dân tộc thiểu số (hiện nay 40% lao động trong tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, là nguồn nhân lực khá dồi dào, nếu không nâng cao trình độ học vấn thì khó có thể có tư duy nhạy bén trong phát triển kinh tế).
Trong thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên mở cả những lớp đào tạo nghề ở trình độ cao hơn cho những đối tượng đã qua các lớp sơ cấp nghề. Đồng thời, thông qua các phong trào sản xuất ở cộng đồng, lựa chọn những lao động sản xuất giỏi, có tâm huyết đưa đi đào tạo chuyên môn thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp để về làm nòng cốt phong trào ở địa phương.
Tỉnh cần mạnh dạn đưa trí thức trẻ, có trình độ chuyên môn cao, năng lực quản lý tốt về các địa phương xây dựng điểm những mô hình kinh tế tập thể, hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, thúc đẩy việc liên kết, liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ra chuỗi giá trị gia tăng.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, ngoài khu công nghiệp của tỉnh, tỉnh cần phân bổ hài hòa việc hình thành những xí nghiệp, nhà máy, bảo đảm ít nhất mỗi cụm xã có một cơ sở sản xuất công nghiệp, không chỉ thu hút lao động ở địa phương mà đây còn là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn.
Mai Viết Tăng
Cán bộ hưu trí xã Hòa Phong,
huyện Krông Bông
Ý kiến bạn đọc