Luật Thuế tài nguyên chính thức có hiệu lực
Hôm nay (1-7), Luật Thuế tài nguyên chính thức có hiệu lực. Luật gồm 4 chương, 11 điều quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, sản lượng Tài nguyên tính thuế, giá tính thuế, thuế suất, kê khai nộp thuế và miễn, giảm thuế.Luật Thuế Tài nguyên quy định đối tượng chịu thuế Tài nguyên bao gồm: khoáng sản kim loại, không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên (trừ động vật); hải sản tự nhiên (động vật và thực vật biển); nước thiên nhiên (nước trên mặt đất và nước dưới đất). Ngoài ra, còn có các tài nguyên khác do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định. Luật cũng quy định rõ người nộp thuế Tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác Tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế Tài nguyên nói trên.
Than là một trong những đối tượng chịu thuế tài nguyên khi khai thác. Ảnh: TL |
Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính Thuế Tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau: giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại, nhưng không thấp hơn giá thực tế do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong khai thác, nhưng không thấp hơn giá tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.
Ngoài ra, Luật Thuế Tài nguyên này còn quy định người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; nếu đã nộp thuế thì được hoàn trả hoặc trừ vào số thuế phải nộp cho kỳ sau. Đồng thời, miễn thuế đối với hải sản tự nhiên; cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt; nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện của hộ gia đình tự sản xuất phục vụ sinh hoạt; nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp và nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt…
Luật Thuế Tài nguyên này thay thế cho Pháp lệnh Thuế tài nguyên năm 1998 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 2008. Kể từ ngày có hiệu lực thi hành, Luật Thuế Tài nguyên vẫn tiếp tục giữ nguyên tắc bảo lưu đối với dự án đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày 1/7/2010 mà trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí có quy định về thuế tài nguyên.
Kim Oanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc