Multimedia Đọc Báo in

Mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Dak Lak:

1 người chết, hơn 350 ngôi nhà bị ngập lụt, hơn 4.300 ha cây trồng bị ngập và hư hại

20:30, 04/11/2010

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) tỉnh, tính đến chiều 4-11, trên địa bàn Dak Lak tiếp tục xảy ra mưa lớn trên diện rộng, tập trung nhiều nhất ở khu vực phía đông tỉnh. Cụ thể, tại M’Drak lượng mưa đo được 726 mm, thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) 543 mm, huyện Krông Bông 286 mm, huyện Krông Pak 330 mm. Mực nước lúc 7 giờ ngày 4-11 tại Trạm Giang Sơn trên báo động cấp II 0,58 m; trên sông Sêrêpôk tại các trạm dưới mức báo động I ; các sông, suối khu vực phía đông tỉnh có xảy ra lũ.

Hàng chục ngôi nhà ở xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) ngập trong nước lũ

Sau 7 ngày mưa lớn kéo dài (từ 29-10 đến 4-11), trong chiều 2-11, trên địa bàn tỉnh đã có 1 người chết trong khi đi bắt chuột đồng bị lũ cuốn trôi (đó là em Y Báo Byă, sinh năm 1994, trú tại thôn Krai A, xã Krông Buk, huyện Krông Pak). UBND huyện Krông Pak và xã Krông Buk đã đến thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình em 4 triệu đồng và chỉ đạo lực lượng địa phương tìm kiếm.

Người dân ở chân Cầu Giang Sơn (huyện Cư Kuin) phải di dời đồ đạc tránh lũ

Có mặt tại cầu chữ V (thôn 1, xã Cư Kty, huyện Krông Bông) sáng 4-11 nước vẫn còn ngập mặt cầu khoảng 30 cm. Theo phản ánh của người dân sống ở khu vực này, từ 10 giờ sáng ngày 3-11 do mưa to, kéo dài, nước dâng rất nhanh khiến mặt cầu bị ngập nước hơn 1 m, tất cả các phương tiện không thể lưu thông qua lại. Ông Đoàn Ngọc Thân, Phó trưởng Công an huyện Krông Bông cho biết, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương, công nhân Hạt quản lý đường bộ huyện trực 24/24 giờ để cảnh báo người dân không được qua lại cầu. Đến trưa 4-11, khi nước rút bớt, huyện đã trang bị đầy đủ ca nô, áo phao và tăng cường hơn 30 chiến sĩ của lực lượng công an, bộ đội để giúp bà con đi qua cầu an toàn.

Đường ngập Cư Kuin.JPG
Đường ở thôn 2 (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) ngập nước ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân

Xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) có 12 thôn thì đã có đến 8 thôn bị ngập lụt. Tính đến chiều 4-11, huyện Krông Bông đã có 229 ngôi nhà bị ngập; hơn 1.430 ha cây trồng các loại bị ngập úng, hư hại; 55 lò sấy thuốc lá và 3 lò gạch bị ngập. Toàn huyện có 27 km đường giao thông nông thôn bị ngập và hư hỏng, hơn 2.100 m kênh mương bị sạt lở, đất đá vùi lấp; 4 cầu tạm và 9 đập nổi ( ở các xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Phong, Cư Drăm, Yang Mao, Hòa Sơn) bị nước cuốn trôi; hơn 30 mố cầu bị sạt lở… tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ 350 triệu đồng.

Buôn Kpung A (xã Hoà Hiệp, huyện Cư Kuin) cũng bị ngập trong nước

Ông Nguyễn Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, Trưởng Ban PCLB-GNTT huyện cho biết, để bảo đảm an toàn tính mạng và hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, huyện chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi sát sao diễn biến thời tiết và các vùng có nguy cơ ngập lụt để kịp thời có biện pháp xử lý, ứng cứu khi cần thiết. Trong trường hợp hết mưa, nước rút, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng nhanh chóng giúp đỡ các hộ bị ngập lụt phải di dời ổn định cuộc sống. Đối với các công trình thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa. Đồng thời, huyện cũng đề nghị tỉnh hỗ trợ giống ngô, lương thực cho các hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do mưa lũ để bà con sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất vụ thu đông.

Cầu Chữ V (thôn 1, xã Cư Kty, huyện Krông Bông) trưa ngày 4-11

Do mưa to tiếp tục kéo dài nên huyện M’Drak đã phải tổ chức di dời gần 60 hộ ở xã Krông Jin, Ea Riêng và Cư Kroá ra khỏi vùng ngập lụt. Một số ngầm trên tuyến đường liên xã của huyện bị ngập từ 0,5-1m. Mực nước một số công trình thủy lợi đã qua tràn từ 0,4 đến 0,8 m. Hơn 2.000 ha lúa, ngô, mía và đậu đỗ các loại bị ngập nước, đổ ngã ảnh hưởng đến năng suất. Một số tuyến giao thông ở các xã Krông Á, Cư San, Ea Lai, Cư Króa bị hư hỏng do mưa làm xói lở ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Do mưa lớn kéo dài, nước chảy xiết đã cuốn trôi cầu tạm thôn 9 (xã Cư Króa), cầu Esáp (xã Cư M’ta) trôi toàn bộ phần mặt.

Lực lượng Công an huyện Krông Bông giúp đỡ người dân qua cầu Chữ V an toàn

Tại huyện Cư Kuin, mực nước sông Krông Ana dâng cao, lũ cục bộ xuất hiện tại các xã: Cư Êwi, Ea Hu, Hòa Hiệp nên UBND huyện đã chỉ đạo di dời 84 hộ có nhà ngập đến nơi an toàn.

Nhiều diện tích cà phê ở thôn 10 (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) cũng bị chìm trong nước

Huyện Lak cũng chịu ảnh hưởng của mưa to kéo dài với khoảng 255 ha lúa mới gieo sạ và ngô lai vụ thu đông bị ngập lụt.

Ông Mai Văn Thông (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) phải đưa heo lên chỗ cao tránh lụt

Tính đến chiều 4-11, toàn tỉnh đã có 4.339 ha cây trồng các loại bị ngập và hư hại; gần 350 ngôi nhà bị ngập lụt, có 11 cầu tạm, cầu bán kiên và 29 cống cố bị trôi, hư hỏng; hơn 2.000 m đường giao thông sạt lở; hơn 1.800 m kênh mương bị hư hỏng; 8 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng nặng.

nhà thôn 10, Khuê Ngọc Điền ngập.JPG
Hàng chục ngôi nhà ở thôn 10 (xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) bị ngập lụt

Trước tình hình trên, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh đã trực tiếp đi đến các huyện có khả năng bị ảnh hưởng do mưa lũ để chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, chủ động đối phó với tình hình mưa lũ, bảo đảm an toàn về người và tài sản. UBND các huyện đã chủ động bố trí lực lượng tìm kiếm cứu nạn triển khai các phương án PCLB đến tận thôn, buôn theo phương châm “4 tại chỗ”, di dời người dân nằm trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn; tổ chức trực 24/24 giờ và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ngầm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người, gia súc và các loại phương tiện tham gia giao thông. Do diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa còn rất phức tạp, bên cạnh sự phương án ứng phó của các ngành chức năng, người dân cũng cần chú ý theo dõi thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc