Multimedia Đọc Báo in

Năm 2011 vẫn là thời hoàng kim cho cao su Việt Nam

10:20, 10/11/2010
Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tình hình sản xuất và tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới đang thuận lợi cho cao su xuất khẩu của Việt Nam.
 
Hiện sản xuất cao su ở các nước châu Á chiếm 94% sản lượng cao su thiên nhiên thế giới, trong đó, Thái Lan đứng đầu với 3,27 triệu tấn, kế tiếp là Indonesia (2,59 triệu tấn), Malaysia (1 triệu tấn), Ấn Độ (879.000 tấn) và Việt Nam đứng thứ 5 (770.000 tấn). Đáng chú ý, Malaysia và Ấn Độ tuy sản lượng cao su cao nhưng lại tiêu thụ cao su lớn trên thế giới.

Ấn Độ với nền công nghiệp ô tô giá rẻ đang phát triển nhanh khiến nước này tiêu thụ cao su vượt qua cả Mỹ, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc. Năm 2010, Ấn Độ dự kiến nhập khẩu 120.000 tấn cao su và ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 15% trong năm nay. Trong khi đó từ năm 2009, sản xuất cao su thiên nhiên ở nước này đã giảm 6,9%. Dự báo năm 2011, Ấn Độ sẽ tiêu thụ 1 triệu tấn cao su thiên nhiên, so với sản lượng trong nước, Ấn Độ cần phải nhập khẩu trên 100.000 tấn cao su.
Sản xuất mủ cốm tại Công ty Cao su Dak Lak (Ảnh: L.H)
Sản xuất mủ cốm tại Công ty Cao su Dak Lak (Ảnh: L.H)
Riêng Trung Quốc, đứng thứ 6 trên thế giới về sản lượng cao su (660 ngàn tấn) nhưng là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới. Mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn cao su các loại, trong đó cao su thiên nhiên chiếm 1,6 triệu tấn. Năm 2010, nhu cầu cao su của nước này tiếp tục tăng bởi công nghiệp ô tô Trung Quốc phát triển nhanh và dự kiến bán được gần 16 triệu xe trong năm nay, tăng 20% so với 2009. Đây cũng là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Trong khi đó tỷ lệ vườn cây cao su già gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất cao su của Trung Quốc.

 Một yếu tố nữa tạo thuận lợi cho cao su Việt Nam đó là việc Chính phủ Thái Lan áp dụng phụ thu mới cho tái canh (cess), trước đây 1,4 baht/kg nay có thể lên tới 5 baht/kg. Điều này sẽ tác động lên giá cao su thiên thiên nhiên vì Thái Lan sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới nên sẽ tác động lên giá của nhiều quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên khác.

Theo dự đoán của một số tổ chức quốc tế, sau khủng hoảng kinh tế thế giới, tiêu thụ cao su tăng mạnh vào năm 2010 (8,6%) và 2011 (4,6%), sau đó chỉ tăng nhẹ đến năm 2020 (khoảng 3%-4% hàng năm). Như vậy, với những điều kiện thuận lợi trên đây, năm 2011 vẫn là thời hoàng kim cho cao su Việt Nam.

Đ.T ( Nguồn SGGP)

Ý kiến bạn đọc